This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 2

Số luợt truy cập: 469460

Văn hóa  >>   Môi Trường Doanh Nghiệp

Xuất ngoại học một sàng khôn


Là một trong những nông dân Quảng Trị được chọn sang Thái Lan học tập kinh nghiệm trồng sắn, ông Pả A Dỗ, trú tại thôn Thanh 4, xã Thanh, huyện Hướng Hóa (Quảng Trị) đã thu về cho mình những kinh nghiệm quý báu, nhất là trong việc thay đổi tập quán sản xuất cũ. Chúng tôi đã có cuộc trò chuyện với ông về chuyến đi ý nghĩa này.

- Từ một hộ nghèo nhất nhì thôn Thanh 4, giờ đây gia đình ông đã trở nên khá giả với thu nhập bình quân hàng năm lên đến 200 triệu đồng. Điều gì làm nên sự thay đổi đáng ngạc nhiên đó, thưa ông?

- Thú thực, trước kia mình không dám tin là có ngày sẽ thoát khỏi cảnh nghèo khó. So với các hộ trong thôn, gia đình mình có diện tích đất rẫy lớn, con cái đông, sức khỏe tốt... Nhưng do thiếu hiểu biết về kiến thức khoa học kĩ thuật, chưa tìm thấy con đường phát triển kinh tế phù hợp nên gia đình mình nhiều lần lâm vào cảnh trắng tay. Thực tế ấy làm mình sinh ra nản chí, chè chén suốt ngày.

Ông Pả A Dỗ kiểm tra chất lượng sắn trước khi thu hoạch- Ảnh: QH

 

 May mà đúng thời điểm đó, Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị cử cán bộ về tận thôn, vận động người dân học nghề trồng sắn để làm giàu. Sau khi tham gia lớp tập huấn, vợ chồng mình bàn nhau trồng thử mấy sào sắn thí điểm. Thấy cây sắn cho thu nhập cao, lại ổn định nên mình quyết định vay vốn ngân hàng để mở rộng diện tích.

Đến giờ, vợ chồng mình có 7,5 ha đất trồng sắn, hàng năm thu nhập bình quân 200 triệu đồng. Nhờ thế mình mới vinh dự trở thành thành viên của Câu lạc bộ 100 triệu đấy.

- Vừa qua, ông cùng một số nông dân trên địa bàn tỉnh được Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị tạo điều kiện sang Thái Lan học hỏi kỹ thuật trồng sắn. Ông có thể chia sẻ những cảm nhận của mình về chuyến đi này?

- Chuyến đi Thái Lan vừa rồi là lần xuất ngoại đầu tiên của mình để học hỏi kỹ thuật trồng sắn. Trong 7 ngày, mình được đến vùng chuyên canh sắn ở tỉnh Nakorn Ratchasrima, Kalasin; thăm nhà máy chế biến tinh bột sắn của Công ty TNHH Chokyuenyoung; nghe giảng viên của Phân hiệu Đại học Nông nghiệp Ubon Ratchatthani giới thiệu về nghề trồng sắn ở đất nước bạn...

Qua đó, mình càng tin tưởng hơn vào tương lai xán lạn của cây sắn trong bối cảnh thế giới lên cơn sốt do nhu cầu về nguyên liệu sinh học Ethanol tăng mạnh. Sang Thái Lan lần này, mình được cung cấp thêm rất nhiều thông tin về kỹ thuật thâm canh, cách chọn giống phù hợp với thổ nhưỡng, các biện pháp phòng trừ dịch bệnh cho cây sắn...

Đặc biệt, mình hiểu tại sao Thái Lan lại trở thành quốc gia sản xuất và xuất khẩu các sản phẩm liên quan đến sắn hàng đầu thế giới. Khác với nước ta, các nhà máy tinh bột sắn ở Thái Lan tập trung chuyên canh cao, gắn với trung tâm nghiên cứu và chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật. Thế nên, người nông dân Thái Lan có điều kiện tốt để mở rộng diện tích, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.

 

Những món quà Pả A Dỗ mua từ Thái Lan về tặng vợ con 

Ảnh: QH

  

 Bên cạnh đó, hầu hết nhà máy sắn ở nước bạn đều được xây dựng ngay tại vùng nguyên liệu với công nghệ hiện đại, trình độ tự động hóa cao, tiêu chuẩn bảo vệ môi trường nghiêm ngặt. Chính phủ Thái Lan có chính sách trợ giá nhằm đảm bảo cho người sản xuất không bị thua lỗ khi giá cả lên xuống thất thường. Đó đều là những điều đáng để chúng ta tiếp thu, học hỏi.

- Ông đã tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm từ chuyến đi Thái Lan vừa rồi. Vậy, trước mắt ông sẽ lựa chọn và áp dụng những kinh nghiệm gì vào thực tiễn sản xuất?

- Đúng là “đi một ngày đàng, học một sàng khôn”. Chuyến thăm Thái Lan đã giúp mình học tập và tích lũy rất nhiều kinh nghiệm trồng sắn hiện đại. Ngay khi về nước, mình đã thay đổi tư duy sản xuất cũ, đồng thời tích cực chia sẻ các bí quyết hay cho bà con. Khi trồng sắn, mình nhắc nhủ bản thân phải chú ý đến từng khâu nhỏ nhất như làm đất, chọn giống, mật độ trồng, bón phân, phòng trừ sâu bệnh...

Hiện nay, nhận thức của người nông dân trồng sắn vẫn chưa cao. Có thể lấy dẫn chứng là đồng bào mình chỉ biết trồng sắn để thu hoạch mà không nghĩ đến việc bón phân, cải tạo đất. Thế nên, diện tích đất trồng sắn thường bị bạc màu, làm năng suất sắn vụ sau giảm xuống đáng kể. Bên cạnh đó, do cây sắn dễ trồng nên bà con thường phó mặc cho tự nhiên, không có biện pháp chăm sóc hợp lí hay chủ động phòng chống dịch bệnh.

Đó là một trong những nguyên nhân khiến bà con lâm vào cảnh mất mùa. Hiện tại, mình đang triển khai trồng xen canh cây sắn với lạc, đậu xanh, lúa trên đất rẫy.

Nếu thành công, mô hình này sẽ giúp vợ chồng mình nâng cao thu nhập, cải thiện chất lượng cuộc sống. Chuyến đi Thái Lan vừa rồi còn giúp mình nhận ra một điều rằng, trong lao động nếu chỉ đổ mồ hôi suông mà không tích cực học hỏi kinh nghiệm, tiếp thu tiến bộ khoa học - kĩ thuật thì người nông dân khó có thể làm giàu bằng chính đôi tay mình.

- Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện chân tình hôm nay. Chúc ông sức khỏe và ngày càng có nhiều vụ sắn bội thu.

  Thực hiện: Q.H ( Theo Báo Quảng Trị)

 

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến