This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 45

Số luợt truy cập: 469489

Văn hóa  >>   Tin tức

Nông dân Hướng Hóa gặp khó khăn vì tự ý phát triển cây sắn ngoài vùng quy hoạch


 Những năm qua, sắn là một trong những loại cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo, tăng thu nhập cho người dân Hướng Hóa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số tại các xã phía Nam huyện.

 Người dân các xã phía Bắc Hướng Hóa gặp nhiều khó khăn do tự ý phát triển cây sắn ngoài vùng quy hoạch.

 Tuy nhiên, 5 năm trở lại đây, người dân tại một số xã phía Bắc của huyện (không nằm trong vùng quy hoạch trồng sắn nguyên liệu) ồ ạt đầu tư trồng loại cây này, vì thế họ gặp không ít khó khăn về nhiều mặt, nhất là thị trường tiêu thụ. Chúng tôi đến thăm vườn sắn rộng 2 ha của gia đình anh Hồ Văn Lương ở thôn Hoong, xã Hướng Linh. Lúc này, anh Lương và người dân trong thôn đang tập trung thu hoạch sắn để đổi công cho nhau.

 Do đất lâu năm không được cải tạo, bổ sung phân bón nên vườn sắn của anh đến thời điểm thu hoạch mà rất còi cọc, củ rất nhỏ và hàm lượng tinh bột ít. Anh Lương cho biết: “Trước đây gia đình tôi và bà con trong thôn chỉ trồng lúa rẫy nên thu nhập rất thấp, nghèo đói cứ đeo bám mãi. Cách đây 3 năm, tôi có dịp đến thăm người bà con ở vùng Lìa, nhờ trồng sắn KM94 mà đời sống của họ khấm khá hơn, tôi mày mò tìm hiểu cách trồng sắn và quyết định khai hoang trồng loại cây này.

 Năm đầu tiên trồng sắn, gia đình tôi thu hoạch, bán được hơn chục triệu đồng. Phấn khởi vì đây là số tiền lớn đối với những hộ nghèo như mình, tôi và người dân trong thôn tiếp tục đầu tư trồng sắn vào những năm tiếp theo. Tuy nhiên, do việc nắm bắt kỹ thuật làm đất và trồng sắn kém nên hai năm nay chất lượng sắn giảm hẳn. Bên cạnh đó, do nằm ngoài vùng quy hoạch nên việc xuất bán sắn rất khó khăn và nếu bán được thì giá rẻ hơn nhiều so với giá mà người dân vùng Lìa bán vì họ có Nhà máy chế biến tinh bột sắn ở xã Thuận tiêu thụ ổn định.

 

 Người dân các xã phía Bắc Hướng Hóa gặp nhiều khó khăn do tự ý phát triển cây sắn ngoài vùng quy hoạch

Năm nay, cũng trên diện tích 2 ha sắn nhưng gia đình tôi chỉ thu hoạch được khoảng 8 tấn sắn/năm, bán được khoảng 7 triệu đồng. Sau đợt này, tôi sẽ chuyển dần 1/2 diện tích trồng sắn sang trồng rừng tràm. Chúng tôi rất mong các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ về kỹ thuật, giống cây phù hợp để người dân địa phương đầu tư trồng có hiệu quả hơn”. Cũng như gia đình anh Lương, gia đình anh Hồ Văn Sơi ở thôn Coóc, xã Hướng Linh trồng hơn 1 ha sắn nhưng hiệu quả kinh tế không cao.

 Anh Sơi cho biết, hiện nay nếu không trồng cây sắn thì anh và người dân trong thôn không biết trồng cây gì cho phù hợp. Dù biết là trồng cây sắn rất khó về thị trường tiêu thụ nhưng sau khi thu hoạch, vừa rồi anh vẫn tiếp tục duy trì diện tích sắn nói trên. Xã Hướng Linh là xã có diện tích sắn lớn nhất ở các xã phía Bắc của huyện Hướng Hóa. Toàn xã có 230 ha sắn, tính đến thời điểm này, người dân địa phương đã thu hoạch được 160 ha, còn 70 ha đã đến vụ nhưng chưa thu hoạch được vì khó khăn về thị trường tiêu thụ. Giá sắn ở đây rất thấp, chỉ từ 900 đồng - 1.000 đồng/ kg. Mặc dù vậy, trong số diện tích đã thu hoạch, người dân ở đây đã tiến hành trồng mới hơn 40 ha sắn.

 Ông Hồ Văn Ngại, Phó Chủ tịch UBND xã Hướng Linh cho biết: “Hơn 5 năm nay, mặc dù chúng tôi đã tăng cường công tác vận động, tuyên truyền, nhắc nhở người dân địa phương không nên đầu tư vào cây sắn vì xã không nằm trong vùng quy hoạch sắn nguyên liệu, tuy nhiên, bà con vẫn tự ý trồng loại cây này với diện tích khá lớn. Hiện nay, trên địa bàn chỉ có 2 thương lái thay phiên nhau đến thu mua sắn với giá rất thấp vì họ cho rằng địa bàn thu mua xa, chất lượng sắn thấp so với các vùng khác.

 Do đó, bà con gặp nhiều khó khăn trong việc trồng sắn. Trước thực trạng trên, thời gian qua, trên cơ sở chỉ đạo của UBND huyện, xã đã cử cán bộ về tận các thôn tiếp tục tuyên truyền, vận động người dân chuyển dần diện tích trồng sắn hiện có sang trồng các loại cây khác như ngô, lạc, tràm, cỏ nuôi bò… Tuy nhiên, do thói quen và tư duy phát triển kinh tế còn hạn chế nên phần lớn người dân địa phương chưa mạnh dạn trong chuyển đổi cách thức làm ăn, việc trồng sắn tự phát vẫn tiếp diễn”.

 Không chỉ riêng xã Hướng Linh mà diện tích sắn ở các xã vùng phía Bắc Hướng Hóa như: Hướng Tân, Hướng Phùng, Hướng Lập, Hướng Việt ngày một tăng, gây khó khăn cho chính quyền địa phương trong việc tìm kiếm thị trường tiêu thụ sắn giúp người dân cũng như xây dựng giải pháp chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với từng vùng, miền. Bắt đầu từ năm 2000, cây sắn được đầu tư và hình thành vùng nguyên liệu ở huyện Hướng Hóa. Tổng diện tích sắn trên địa bàn năm 2016 là 4.710 ha (tăng 5,6% so với năm 2015); năng suất bình quân 17 tấn/ha; sản lượng đạt 80 nghìn tấn; giá thu mua 1.700 - 1.900 đồng/kg sắn củ tươi.

 Hiện nay, trên địa bàn huyện có 1 nhà máy chế biến tinh bột sắn với công suất thiết kế gần 100.000 tấn sắn củ tươi/năm, đã tạo điều kiện thuận lợi cho sản xuất vùng nguyên liệu sắn theo hướng tập trung gắn với chế biến và thị trường tiêu thụ. Thu nhập từ trồng sắn của người dân đạt bình quân 30 - 40 triệu đồng/ha/năm, nhiều hộ nông dân đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu. Tuy nhiên, sản lượng sắn hiện nay đã vượt quá công suất của các nhà máy, nguyên nhân chủ yếu do người dân các xã phía Bắc tự phát trồng và mở rộng diện tích sắn. Trong tổng số diện tích sắn của huyện thì diện tích sắn ngoài vùng quy hoạch là 530 ha.

 Ở các xã ngoài vùng quy hoạch, thị trường tiêu thụ gặp nhiều khó khăn, thương lái chỉ thu mua với mức giá chỉ bằng 1/2 so với giá sắn trong vùng quy hoạch nguyên liệu. Vì thế, người dân nơi đây dù mất công đầu tư trồng sắn nhưng lại có nguồn thu nhập rất thấp từ cây này. Tuy nhiên, họ vẫn không chịu thay đổi cách làm ăn nên diện tích trồng sắn ngoài vùng quy hoạch không những không giảm mà ngày càng tăng. Ông Lê Quang Thuận, Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Những năm qua cây sắn đã đem lại thu nhập khá cao cho người dân địa phương, giúp cho nhiều hộ có điều kiện thoát nghèo, vươn lên khá giả.

 Nhà máy chế biến tinh bột sắn xã Thuận đã thành lập câu lạc bộ thu nhập trên 100 triệu đồng, tạo động lực để người dân yên tâm duy trì trồng sắn. Điều đáng quan tâm là theo đánh giá của UBND huyện, hiện nay diện tích cây sắn đã vượt quy hoạch ban đầu của huyện. Các xã nằm ngoài vùng quy hoạch là các xã vùng phía Bắc, nằm cách xa nhà máy chế biến tinh bột sắn. Việc đầu tư, chăm sóc sắn của người dân các xã này chưa đảm bảo, vì thế chất lượng sắn thấp.

 Cùng với đó, chi phí vận chuyển sắn đến nơi tiêu thụ lớn nên hiệu quả trồng sắn ở các xã này không cao. Trước thực trạng đó, huyện đã có chủ trương giảm bớt một phần diện tích sắn ở các xã phía Bắc và duy trì ổn định diện tích trong vùng quy hoạch từ 4.200 - 4.500 ha tập trung tại các xã phía Nam. Bên cạnh đó, hướng chuyển đổi một phần diện tích sắn không hiệu quả sang các loại cây trồng khác như gừng, nghệ, ném và các loại cây khác có giá trị cao hơn; chuyển qua thực hiện một số mô hình trồng cỏ nuôi bò nhằm phát triển đàn chăn nuôi tại các xã Hướng Linh, Hướng Phùng…

 Đối với các xã phía Nam thì chuyển đổi các diện tích sắn không hiệu quả sang trồng cây cao su, ngô, cỏ nuôi bò, phát triển mô hình chăn nuôi. Việc giảm diện tích sắn ngoài vùng quy hoạch vừa đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn, vừa giúp cho người dân giảm bớt khó khăn khi tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm.

 UBND huyện đang chỉ đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện xây dựng, hoàn chỉnh 2 đề án chuẩn bị trình kỳ họp HĐND huyện sắp tới, gồm: Đề án chuyển đổi nâng cao giá trị một số sản phẩm trong trồng trọt, trong đó có cây sắn và đề án chuyển đổi một phần diện tích trồng sắn sang trồng ngô và trồng cỏ chăn nuôi bò. UBND huyện đề nghị Nhà máy chế biến tinh bột sắn xã Thuận tiếp tục hỗ trợ cho người dân trong vùng quy hoạch về giống, kỹ thuật trồng, chăm sóc sắn để giúp cho bà con áp dụng khoa học kỹ thuật cũng như phân bón trong thâm canh nâng cao năng suất và sản lượng, đảm bảo vùng nguyên liệu và tăng thu nhập cho người dân.

 

Theo KO KĂN SƯƠNG

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác