This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 11

Số luợt truy cập: 469035

Văn hóa  >>   Tin tức

CAM LỘ ỨNG XỬ "TỬ TẾ" VỚI CÂY HỒ TIÊU



Thực tế, trong một thời gian dài, ở địa phương, đơn vị nào có sự đổi mới về phương thức quản lý, làm ăn năng động, sáng tạo, nâng cao năng suất, chất lượng, đem lại hiệu quả về mọi mặt, được xây dựng thành “điểm sáng”, thì thường thu hút đông đảo những tập thể, cá nhân quan tâm đến học tập, nghiên cứu, nhân rộng...

Tôi đã từng biết đến những cuộc tổ chức đoàn nghiên cứu, xây dựng hợp tác xã tại Thái Thụy, Kiến Xương (Thái Bình), Quỳnh Lưu (Nghệ An); tham quan, học tập về thâm canh giống lúa mới ở Điện Bàn (Quảng Nam); tìm hiểu công việc trồng dâu, nuôi tằm ở “Vương quốc dâu tằm tơ” Bảo Lộc (Lâm Đồng)...Một số cuộc tham quan học tập này cơ bản chưa phát huy được tác dụng khi áp dụng vào thực tiễn sản xuất- kinh doanh tại địa bàn vì nhiều lý do cả chủ quan lẫn khách quan.

 

 
 Tiêu Cùa do Công ty Thương mại đóng gói

  

Những năm trở lại đây, nhiều địa phương, đơn vị cũng thường tổ chức những chuyến giao lưu, học hỏi kinh nghiệm làm ăn, tìm hiểu mô hình cây trồng, vật nuôi mới kết hợp với...tham quan, du lịch ở các địa phương trong nước và cả nước ngoài bằng tiền ngân sách. Hiệu quả của những cuộc tham quan học tập kiểu này cho thấy có lúc vẫn chưa tương xứng với số tiền, công sức và thời gian đã bỏ ra, nếu không nói là có khá nhiều cuộc không phù hợp, rất lãng phí...

Vậy nhưng, vào khoảng thời gian này một năm về trước, nhận thông tin đồng chí Nguyễn Công Phán, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ (Quảng Trị) thân chinh dẫn đầu đoàn cán bộ các ban ngành chức năng của huyện, nông dân các xã vùng trọng điểm cây công nghiệp địa phương đi tham quan, nghiên cứu mô hình trồng cây hồ tiêu ở Chư Sê (Gia Lai), là phóng viên chuyên theo dõi kinh tế nông nghiệp, tôi linh cảm rằng, có phải đây là bước khởi đầu trong tham vọng phục sinh danh tiếng hồ tiêu vùng Cùa trên đất Cam Lộ không?

Một năm sau chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm đó, câu trả lời là đúng!

Xem để mà học họ may ra phục hồi cải tạo được giống tiêu Cùa...”

Cam Lộ, từ xa xưa đã là nơi nổi tiếng với sản vật hồ tiêu. Hồ tiêu vùng Cùa có hàm lượng tinh dầu cao, hạt chắc, hương vị nồng cay, thơm ngon không nơi nào trên đất nước Việt Nam sánh được. Sau ngày quê hương giải phóng, vùng đất đỏ ba dan trên 3.000 ha tập trung ở xã Cam Chính, Cam Nghĩa (vùng Cùa) và vùng Tân Lâm (xã Cam Thành) đã được quy hoạch, xây dựng thành vùng trọng điểm cây hồ tiêu của huyện Cam Lộ. Lúc cao điểm, tại đây có trên 1.500 ha cây hồ tiêu, trong đó chủ yếu thuộc sở hữu của nông trường Tân Lâm.

Cây hồ tiêu đã góp phần quan trọng đem lại cuộc sống ổn định cho hàng ngàn người dân trên địa bàn. Tuy nhiên cũng đã có thời kỳ kéo dài đến những năm gần đây, hồ tiêu rớt giá thảm hại, người dân thiếu quan tâm đầu tư nên năng suất đạt thấp, sâu bệnh tàn phá nặng nề, nhiều vườn tiêu đã già cỗi và cả những vườn tiêu đang có khả năng phát triển cũng đã bị người dân “xóa sổ” để thay vào các loại cây trồng khác...

Hiện nay, huyện Cam Lộ chỉ còn lại 404 ha vườn tiêu hộ gia đình. Nếu không có sự hỗ trợ tích cực từ chính quyền địa phương và ban ngành chức năng về cơ chế đầu tư, hỗ trợ kỹ thuật, vốn, bao tiêu sản phẩm... thì diện tích hồ tiêu chắc chắn sẽ tiếp tục giảm, danh tiếng hồ tiêu vùng Cùa sẽ không còn được nhắc tới ngay trong tương lai gần.

Trong bối cảnh như vậy, chuyến tham quan, học tập kinh nghiệm trồng cây hồ tiêu của đoàn cán bộ huyện Cam Lộ tại Gia Lai mang rất nhiều ý nghĩa.

“Sức hấp dẫn không thể chối từ” khiến đồng chí Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Nguyễn Công Phán cùng đoàn cán bộ địa phương cất công lặn lội hàng trăm cây số vào Tây Nguyên bởi có thông tin nơi đây đã trồng thành công giống tiêu Vĩnh Linh với năng suất từ 6 đến 10 tấn hạt tiêu khô/vụ và xây dựng được thương hiệu “Tiêu Chư Sê” rất nổi tiếng. “Xem để mà học họ may ra phục hồi, cải tạo được giống tiêu Cùa, nếu không chẳng bao lâu nữa loại cây đặc sản này chỉ còn trong ký ức”, đó là chia sẻ của đồng chí Nguyễn Công Phán trước khi đoàn lên đường.

Trong hành trình tham quan, học tập này, đoàn đã được hướng dẫn kỹ thuật dùng chế phẩm sinh học thế hệ mới mang nhãn hiệu “vườn sinh thái – rainbow”, một sản phẩm dinh dưỡng cao cấp được sản xuất từ nguồn gốc thiên nhiên bằng công nghệ nano tiên tiến của Mỹ, cung cấp cho cây trồng những thành phần dinh dưỡng đặc biệt thiết yếu giúp cây trồng tăng khả năng hấp thu dinh dưỡng, trao đổi chất và chống chịu được thời tiết khắc nghiệt, đồng thời có khả năng đề kháng tốt với các loại sâu bệnh. Nông dân trên địa bàn Gia Lai đưa chế phẩm sinh học này vào ứng dụng chăm bón cho cây tiêu không chỉ tăng năng suất và chất lượng sản phẩm mà còn có tác động tích cực đến môi trường, giảm thiểu việc đưa phân bón hóa học vào canh tác cây hồ tiêu.

 

Chăm sóc vườn tiêu

 

Đoàn tham quan cũng đã được phân tích để thấy rõ yếu tố thâm canh đóng vai trò quyết định đến năng suất và chất lượng cây trồng; được những người nông dân trồng cây hồ tiêu nhiều kinh nghiệm chia sẻ cách đầu tư, chăm bón, chọn giống, xây trụ vừa hiệu quả vừa có chi phí thấp nhất; được hướng dẫn quy trình kỹ thuật ủ các phụ phẩm nông nghiệp như vỏ lạc, vỏ cà phê, vỏ trấu bằng chế phẩm trichoderma làm phân bón cho hồ tiêu và được khuyến cáo ứng dụng quy trình sản xuất nông nghiệp theo hướng GAP là cách làm hiệu quả nhất đảm bảo cho một nền nông nghiệp phát triển bền vững... Những yếu tố quan trọng đó đã tạo nên thương hiệu tiêu Chư Sê, niềm tự hào của người dân Gia Lai.

Quyết tâm phục hồi lại các vườn tiêu gia đình ở vùng Cùa, Cam Thành của lãnh đạo huyện Cam Lộ đã nhận được sự đồng thuận tích cực và hợp tác chặt chẽ của một doanh nghiệp tâm huyết với ngành nông nghiệp là Công ty TNHHMTV thương mại Quảng Trị. Tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên thương mại Quảng Trị Hồ Xuân Hiếu đã quyết định lắp đặt dây chuyền chế biến hạt tiêu theo công nghệ hiện đại tại khu công nghiệp nam Đông Hà, sẵn sàng mở hướng chế biến, tiêu thụ ổn định cho hồ tiêu vùng Cùa.

Tiêu Cùa trở lại nồng cay

Từ những kinh nghiệm quý báu rút ra trong chuyến tham quan, học cách trồng tiêu tại Gia Lai, huyện Cam Lộ đã xây dựng đề án thí điểm phục hồi và trồng mới cây hồ tiêu giai đoạn 2011- 2015 triển khai tại 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Thành với quyết tâm đưa cây hồ tiêu Cam Lộ trở lại vị thế xứng đáng của nó.

Thông qua việc triển khai đề án này người trồng tiêu sẽ áp dụng các giải pháp nâng cao năng suất, hạn chế dịch bệnh, có điều kiện đầu tư thâm canh cây tiêu theo hướng bền vững, hiệu quả. Nhiều vườn tiêu đã được hỗ trợ kinh phí đầu tư trồng mới với cây giống sạch, tham gia tập huấn và áp dụng khoa học kỹ thuật cả trong khâu trồng, dựng choái, chăm sóc, thu hoạch.

Công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị cử cán bộ về chỉ đạo sản xuất tại địa bàn, trực tiếp hướng dẫn cho các hộ kỹ thuật chăm sóc phục hồi và trồng mới vườn tiêu, xây dựng một vườn tiêu mẫu tại địa phương để làm mô hình trình diễn cho nông dân trong xã thấy rõ hiệu quả của việc phục hồi vườn tiêu từ đó có hướng đầu tư chăm sóc đúng cách.

Công ty cũng đã đầu tư bình quân 500 triệu đồng/ năm cho xã Cam Chính (với thí điểm 30 mô hình) để hỗ trợ người dân tham quan học tập, hội thảo đầu bờ, chuyển giao tiến bộ kỹ thuật, cải tạo giống, mua các loại chế phẩm sinh học, thuốc bảo vệ thực vật, triển khai nhiều hoạt động khác nhằm nâng cao năng lực, trình độ canh tác cho người dân trồng tiêu, xây dựng vùng tiêu sinh thái, phát triển bền vững.

Việc cam kết thu mua toàn bộ sản phẩm cho người dân theo giá thị trường của Công ty TNHHMTV thương mại Quảng Trị đã tạo thêm niềm tin và động lực để những người trồng tiêu trên địa bàn Cam Lộ chuyên tâm đầu tư vào cây trồng truyền thống của mình.

Gần 1 năm sau chuyến tham quan học tập kinh nghiệm có ý nghĩa mở đường cho công cuộc khôi phục lại diện tích và chất lượng cây hồ tiêu do Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Cam Lộ Nguyễn Công Phán khởi xướng, tại lễ kỷ niệm 20 năm ngày lập lại huyện Cam Lộ, nhiều đại biểu về dự đã không khỏi xúc động khi nhận được món quà là đặc sản tiêu Cùa đựng trong bao bì thiết kế sang trọng, mẫu mã đẹp với slogan ấn tượng: “Tiêu Cùa- Chất lượng gắn với danh tiếng”, với lời giới thiệu mực thước mà sâu sắc, khiêm cung mà chững chạc: “Tiêu Cùa- sản phẩm được chế biến bằng công nghệ hiện đại từ giống hồ tiêu sạch, tự nhiên, trồng trên vùng đất đỏ ba zan (vùng Cùa, Cam Lộ, Quảng Trị) chứa những vi lượng đặc biệt không nơi nào có được. Phương thức canh tác độc đáo trên nền khí hậu khắc nghiệt đã tạo nên hương vị cay thơm độc nhất vô nhị”.

Nhiều đại biểu đã rất ấm lòng khi được biết, tiêu Cùa đã vào được siêu thị, đã trở thành hàng hóa được người tiêu dùng đón nhận. Danh tiếng hồ tiêu vùng Cùa đã bước đầu được phục hồi.

“Nếu biết yêu cái cây, cái cây sẽ yêu lại bạn. Bạn cứ dốc hết tâm huyết với cái cây mà bạn vun trồng đi, rồi cái cây sẽ quay lại thương bạn vào một ngày không ngờ nhất trong cuộc đời...”, có một người thành đạt từ nghề làm vườn đã nói như vậy. Trong câu chuyện của ngày hôm nay, cách đối xử rất tử tế và đầy tính nhân văn với cây hồ tiêu vùng Cùa của người Cam Lộ cũng đã cho kết quả thật trọn vẹn, cây hồ tiêu đã bắt đầu quay lại thương người dân Cam Lộ với tất cả sự nồng nàn, nồng cay, ấm áp...

ĐÀO TÂM THANH ( Theo Báo Quảng Trị)
 

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác