This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 44

Số luợt truy cập: 469475

Văn hóa  >>   Tin tức

CÔNG TY CỔ PHẦN LỮ HÀNH SEPON: DOANH NGHIỆP "BÉ HẠT TIÊU"


 Khi nói về doanh nghiệp của mình, giám đốc Công ty cổ phần lữ hành Sê pôn Trần Hữu Phước khá dè dặt, anh khiêm tốn bảo rằng doanh nghiệp mình còn “bé” lắm trong thương trường lữ hành mênh mông và đầy sôi động này. Tuổi đời của công ty cũng còn rất trẻ, tính đến nay mới vừa tròn ba năm, kể từ khi Trung tâm lữ hành Sê pôn, đơn vị được thực hiện thí điểm cổ phần hóa đầu tiên của Công ty TNHH MTV thương mại Quảng Trị. 


Có lẽ rất ít người biết về thương hiệu du lịch “một ngày ăn cơm ba nước” được ra đời từ Trung tâm lữ hành Sê pôn hơn 10 năm trước, đó là một thương hiệu rất được ưa chuộng, đặc biệt khi đường 9 và cầu Hữu Nghị 2 qua sông Mê kông đã nối liền 3 nước Việt Nam- Lào- Thái Lan trong một hành trình gọn gẽ - chưa đến 10 giờ đồng hồ. 

Khách du lịch muốn khám phá Hành lang kinh tế Đông- Tây bằng đường bộ không có gì đơn giản và thú vị hơn khi đi theo tour này. Trung tâm lữ hành Sê pôn phát triển, gặt hái được nhiều thành công và khẳng định được vị trí của mình trên thương trường lữ hành cũng nhờ vào thương hiệu này. Và khi chiếc áo “trung tâm lữ hành” đã trở nên chật chội với chiều kích thị trường du lịch đang rộng mở, việc thực hiện cổ phần hóa và thành lập Công ty cổ phần lữ hành Sê pôn là một quyết định nhạy bén và sáng suốt. 


 
 Khách tham quan, kết hợp học tập, trao đổi kinh nghiệm do Công ty Cổ phần lữ hành SePon tổ chức tại Trường Cao Đẳng nông nghiệp (tỉnh Korat, Thái Lan)

 

“Vạn sự khởi đầu nan”, giám đốc Trần Hữu Phước bồi hồi nhớ lại những ngày đầu mới “ra riêng”: “Sau nhiều năm hoạt động theo phương thức hạch toán báo sổ, chịu sự quản lý điều hành trực tiếp từ “công ty mẹ”, thú thật thói quen dựa dẫm đã làm cho tất cả mọi người từ giám đốc đến nhân viên lúng túng. 

Hoạt động với một pháp nhân mới, công ty phải bắt tay làm lại từ đầu, phải xây dựng phương án kinh doanh, cơ chế điều hành, rồi phương án khoán quản phù hợp với năng lực thực sự của doanh nghiệp để đảm bảo sự tồn tại của công ty là một điều hoàn toàn không đơn giản. Đó là chưa nói vẫn còn vô vàn những khó khăn khác như vốn liếng, thị trường cạnh tranh gay gắt. 

Mặc dù được “công ty mẹ” hỗ trợ mọi mặt từ văn phòng công ty, đóng BHXH... khó khăn lớn nhất của công ty vẫn là vốn. Khi mới thành lập, vốn điều lệ không đủ trang trải nhu cầu vốn lưu động hàng ngày, chỉ với 900 triệu đồng trong khi đó hai xe open tour đã có giá trên 500 triệu, phải ký quỹ lữ hành 250 triệu, ký quỹ đại lý Vietnam airline 160 triệu. Vì vậy nhu cầu vốn thiếu hụt trầm trọng là một thực tế ai cũng nhìn thấy rõ”. 

Nhờ bám sát sự chỉ đạo, đưa ra những quyết định và định hướng đúng đắn kịp thời của Hội đồng quản trị, Ban giám đốc điều hành cùng với sự đoàn kết, nhất trí của tập thể công ty, những khó khăn ban đầu cũng đã đi qua. Sau ba năm hoạt động, Công ty cổ phần lữ hành Sê pôn đã đứng vững và khẳng định được thương hiệu của mình trên thị trường lữ hành đầy sự cạnh tranh sôi động. Dù quy mô không lớn nhưng những kết quả đạt được của công ty sau ba năm là rất đáng nể, vì thế tôi nói đùa với giám đốc Trần Hữu Phước là công ty của anh tuy bé, nhưng là “bé hạt tiêu”. 

Bởi lẽ trong điều kiện khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế mang tính toàn cầu như hiện nay, rất nhiều công ty, trong đó có cả các “ông lớn” khác đã bị giải thể, phá sản thì Công ty cổ phần lữ hành Sê pôn không chỉ đứng vững mà đang bàn tính đến những kế hoạch làm ăn lâu dài, xây dựng thành một công ty du lịch mạnh có tầm ảnh hưởng trong nước và khu vực thì quả là điều đáng trân trọng. 

Nhìn lại kết quả đã đạt được trong ba năm qua, có thể nói rằng đây là một doanh nghiệp mạnh dạn, dám nghĩ dám làm, biết nắm bắt cơ hội và luồn lách trong khó khăn để đi tới. Không chỉ hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu kế hoạch sản xuất kinh doanh đã đề ra, công ty đã bảo toàn và phát huy tốt nguồn vốn góp của các cổ đông. 

Tại đại hội cổ đông thành lập công ty lần đầu tiên, vốn điều lệ của công ty chỉ 900 triệu đồng, nhưng chỉ sau một lần tăng vốn, tại đại hội cổ đông thường niên năm 2010, vốn điều lệ của công ty đã lên 1,6 tỷ đồng, tăng 77,8% so với trước, và hiện nay với tình hình tài chính rất lành mạnh này nếu tiếp tục huy động vốn không phải là điều khó khăn. 

Khi đã có vốn, có chiến lược đầu tư đúng đắn, Ban giám đốc công ty tập trung vào nhiệm vụ sản xuất kinh doanh, trong đó chú trọng khai thác tốt và có hiệu quả tuyến Hành lang kinh tế Đông- Tây, mở rộng thị trường du lịch truyền thống, đẩy mạnh khai thác thị trường nội địa cũng như thị trường nước ngoài, trong đó chủ yếu tập trung thị trường Thái Lan, Lào, từng bước phát triển mở rộng sang thị trường Singapore, Malaysia, Myanmar, Hàn Quốc... 

Có thể nói, hoạt động của Công ty cổ phần lữ hành Sê pôn luôn gắn liền với Hành lang kinh tế Đông- Tây, và khi nói đến tuyến hành lang này, nhiều người thường nhắc đến thương hiệu lữ hành Sê pôn. Xuất phát từ ý tưởng “tham quan quốc tế, giá nội địa”, “một ngày ăn cơm ba nước”, công ty đã đưa hoạt động tham quan du lịch đến gần với khách hàng hơn. 

Nếu như trước đây nói chuyện tham quan du lịch nước ngoài là một điều gì xa lạ với nhiều người, nhưng giờ đây cùng với những đổi mới, cải tiến rất quan trọng trong các thủ tục xuất nhập cảnh, thu nhập tăng lên, người dân bình thường đã có thể nghĩ đến chuyện đi du lịch nước ngoài. 

Có người so sánh một chuyến đi Thái Lan 6 ngày 5 đêm với nhiều điểm tham quan thú vị, ăn ở đàng hoàng, giá chỉ hơn 6 triệu đồng, đã thấy rằng giá tour xuất ngoại còn rẻ hơn đi trong nước. 

Nắm bắt thực tế này, Công ty cổ phần lữ hành Sê pôn đã nhạy bén tổ chức nhiều tour tuyến rất chất lượng phục vụ khách hàng trong và ngoài tỉnh, sau mỗi chuyến đi khách hàng đều cảm nhận được những khoảng thời gian du lịch thoải mái, thân thiện.

“Tiếng lành đồn xa” nhiều khách hàng đã tìm đến công ty. Giám đốc Trần Hữu Phước đưa cho tôi xem chương trình tour tuyến đã dày đặc danh sách khách hàng đăng ký trong suốt ba tháng liên tiếp gần đây. 

Anh nói rằng, trong thời buổi cạnh tranh gay gắt như hiện nay, được khách hàng tin cậy không phải là điều dễ dàng, bởi lẽ công ty luôn đặt chất lượng và niềm vui được phục vụ khách hàng cao nhất, ngoài việc chú trọng thiết kế tour tuyến phù hợp, hấp dẫn, có đội ngũ hướng dẫn viên, phục vụ tận tụy chuyên nghiệp, công ty còn xây dựng mối quan hệ hợp tác chặt chẽ với các đối tác có kinh nghiệm hoạt động lữ hành, dịch vụ nên luôn có giá cả rất cạnh tranh, chất lượng dịch vụ không ngừng được tăng lên, phương châm hoạt động của công ty là: sự hài lòng của khách hàng đảm bảo sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp. 

Thực tế đã chứng minh phương châm hoạt động của công ty là đúng đắn và điều này đã thể hiện qua những con số đã được kiểm toán xác nhận. Nếu doanh thu của công ty năm 2009 chỉ hơn 3,3 tỷ đồng thì năm 2011 đã tăng lên hơn 3 lần với gần 11,8 tỷ đồng, thu nhập bình quân của người lao động đã tăng từ 2,3 triệu đồng tháng (năm 2009) lên 4 triệu trong năm 2011 và dự kiến tăng lên 6 triệu trong năm nay. 

Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ thuế cho nhà nước, trích lập các quỹ dự phòng rủi ro, quỹ phát triển doanh nghiệp... công ty còn đảm bảo các quyền lợi về BHXH, BHTN cho người lao động, có chính sách bảo đảm cuộc sống để người lao động luôn gắn bó và xây dựng doanh nghiệp ngày càng vững mạnh. 

Trên đà phát triển, tiếp tục khẳng định thương hiệu của mình trên thương trường, theo giám đốc Trần Hữu Phước, trong thời gian tới Công ty cổ phần lữ hành Sê pôn sẽ tiếp tục đổi mới phương thức quản lý và điều hành, tăng cường cơ sở vật chất, thực hiện giao quyền chủ động thật sự cho các bộ phận nghiệp vụ để đẩy mạnh hơn nữa hoạt động khai thác thị trường nội địa, đồng thời phát huy và gìn giữ các thương hiệu lữ hành đã được dày công xây dựng để tour “một ngày ăn cơm ba nước” không chỉ dừng lại ở Quảng Trị, các tỉnh miền Trung mà vươn ra hai đầu tàu kinh tế của cả nước là Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh cũng như các trung tâm kinh tế khác. 

Mặt khác công ty cũng sẽ đa dạng hóa các sản phẩm du lịch, dịch vụ, mở rộng bạn hàng để thực hiện các tour “con đường di sản miền Trung” gắn liền với tour DMZ và du lịch tâm linh để tăng lượng du khách đến tham quan tỉnh Quảng Trị, khai thác tiềm năng du lịch Hành lang kinh tế Đông- Tây. 

Bài, ảnh: HOÀNG ĐỨC

Cập nhật ngày 23.5.2012

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác