This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 46

Số luợt truy cập: 469478

Văn hóa  >>   Tin tức

NGHĨ VỀ VIỆC PHONG TẶNG CÁC DANH HIỆU THI ĐUA


Đầu tháng 10/2012, một sự kiện thu hút sự quan tâm của nhiều người ở Quảng Trị, đó là sau một thời gian dài chuẩn bị, Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội đã tổ chức bán đấu giá cổ phần lần đầu của Công ty TNHH MTV Đông Trường Sơn (gọi tắt là Công ty ĐTS) ra công chúng. Kết quả Công ty Minh Hưng, có trụ sở ở đường Lê Duẩn, Đông Hà đã thắng với số tiền bỏ ra khá lớn. Thế là từ một nhà máy nhiều năm nay có 100% vốn của nhà nước, nay Công ty Đông Trường Sơn đã chuyển sang hình thức cổ phần với quyền sở hữu của tư nhân.

Chúng tôi thiết nghĩ: Phải chăng cách làm thi đua cũng phải thay đổi, đó là gắn bó, sâu sát hơn với thực tiễn, đi tìm các nhân tố tích cực để khen thưởng, chứ không ngồi bàn giấy để nghe báo cáo với những công trạng được tô vẽ. Việc bình xét, công nhận các danh hiệu thi đua phải thực chất, chứ không cảm tính, hoặc là chịu sự tác động của những yếu tố nào đó mà quên đi những con người, những đơn vị, địa phương đang làm việc, nỗ lực thực sự, sáng tạo, chủ động vượt qua khó khăn để vươn lên. Chỉ khi nào gắn bó với cơ sở, tôn vinh những việc làm thực chất, lúc ấy việc công nhận danh hiệu thi đua mới bền vững, được tôn trọng và góp phần động viên, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.

Việc cổ phần hóa Công ty ĐTS là điều tất yếu, nằm trong chủ trương của Nhà nước và lộ trình của Ban đổi mới doanh nghiệp tỉnh. Điều mà chúng tôi nói tới ở đây không phải là chuyện công ty thuộc về nhà nước hay tư nhân và những tâm trạng băn khoăn, lo lắng của người công nhân khi chuyển sang chủ mới, mà muốn nói tới cái danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới mà công ty mang trong đó.

Không thể phủ nhận rằng Nhà máy xi măng Đông Hà (sau này là Công ty ĐTS) đã có nhiều nỗ lực, cố gắng. Trong điều kiện máy móc, thiết bị của nhà máy xi măng lò đứng nhập về từ Trung Quốc rất lạc hậu, song với nỗ lực cao của CBCN nên nhà máy vẫn hoạt động hiệu quả, đảm bảo việc làm cho hàng trăm công nhân và có những đóng góp cho ngân sách địa phương. Ngoài ra, công ty còn đảm nhận các nhiệm vụ chính trị do địa phương giao phó. Với những thành tích đó, Công ty ĐTS đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới. Đó là một thành tích đáng mừng. Song nhìn vào thực chất bên trong thấy có gì đó không ổn.



Dễ nhận thấy nhất là sản phẩm do công ty làm ra không có tính cạnh tranh cao (mà đây là yếu tố quan trọng, quyết định cho sự tồn tại của công ty). Trong lúc ở thời điểm đó nhiều tỉnh, thành phố khác đã có những dự án xây dựng nhà máy xi măng lò quay với công nghệ tiên tiến của các nước châu Âu, có công suất hàng triệu tấn/năm, có mác cao, sử dụng được trong các công trình đòi hỏi kỹ thật phức tạp.

 

Thứ hai là ngay trong thời kỳ Công ty ĐTS đạt đến đỉnh cao huy hoàng và kể cả nhiều năm sau này công ty sống được một phần là nhờ vào chính sách bảo hộ, dùng hàng địa phương trong các công trình xây dựng, đặc biệt là khi thực hiện chính sách bê tông hóa đường giao thông và kiên cố hóa kênh mương thủy lợi nội đồng; chứ khi làm nhà, xây dựng các công trình kiên cố, bền vững thì nhiều người không dám sử dụng vì chất lượng không đảm bảo. Thứ ba là việc vận hành của nhà máy gây ô nhiễm môi trường làm cho nhiều người dân trong vùng không chịu đựng được, khi hàng ngày phải hít thở một lượng lớn khói bụi.



Từ khi có dự án xây dựng Nhà máy xi măng ROLY ở Cam Lộ với công suất gần 1,2 triệu tấn/năm, nhiều người đã lo sợ sẽ có cuộc cạnh tranh quyết liệt và phần thua sẽ nghiêng về Công ty ĐTS. Mặc dù dự án này về sau không được triển khai nhưng hàng chục, hàng trăm công nhân của Công ty ĐTS vẫn cảm thấy bất an khi thời hạn mà Nhà nước quy định đóng cửa các nhà máy xi măng lò đứng đang đến gần, cùng với đó là thu nhập ngày càng ít đi nên nhiều người đã bỏ việc ra đi, tìm bến đỗ mới.



Từ danh hiệu anh hùng của Công ty ĐTS chúng tôi lại nghĩ đến danh hiệu anh hùng của Trường cấp 3 vừa học vừa làm Tân Lâm, được Nhà nước trao tặng từ nhiều năm trước. Không ít người cho rằng Trường cấp 3 Tân Lâm sống được là nhờ vào Nông trường Tân Lâm, chứ thật ra thành tích từ nội lực của nhà trường không lớn, nó chỉ có một số ý nghĩa trong thời kỳ bao cấp. Đến sau này khi chuyển sang thời kỳ mới, thành tích của trường không cao, có năm tỉ lệ tốt nghiệp chỉ có 49%, thuộc vào nhóm thấp nhất tỉnh. Sau này có dịp đến tìm hiểu về Trường cấp 3 Tân Lâm chúng tôi không nghĩ rằng có thời trường này được công nhận anh hùng.



Thực tế trên cho thấy việc phong tặng các danh hiệu thi đua ở một số đơn vị trong thời gian qua có gì đó không ổn; đôi lúc thành tích thực sự của đơn vị không lớn mà phụ thuộc vào ý muốn, gợi ý của một số người hay của một cấp, một ngành nào đó nên không phản ánh đúng thực chất. Cách đây mấy năm chúng tôi có dịp đi dự một doanh nghiệp trong ngành xây dựng tổ chức đón nhận danh hiệu Huân chương Lao động hạng 3, việc tổ chức đón nhận quá ư là rầm rộ và tốn kém. Thế mà bây giờ doanh nghiệp ấy đang khốn đốn, nợ bảo hiểm xã hội kéo dài từ năm này đến năm khác lên tới hàng trăm triệu đồng, quyền lợi của người lao động không được đảm bảo. Doanh nghiệp ấy đang trong tầm ngắm bị khởi kiện ra tòa vì nợ nần triền miên, khó trả.

 

Trong lúc nhiều đơn vị nhận được các danh hiệu cao quý đang phải sống lay lắt thì có những đơn vị chưa chạm tới danh hiệu ấy vẫn sống khỏe và có nhiều đóng góp cho xã hội. Theo chúng tôi ở Quảng Trị hiện nay có Công ty Thương mại Quảng Trị và Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa xứng đáng được nhận các danh hiệu thi đua ở mức độ cao. Bởi lẽ Công ty Thương mại đã có nhiều đóng góp cho cộng đồng, công ty không dựa vào lợi thế của địa phương để buôn bán hàng hóa xuất nhập khẩu kiếm lời mà luôn đồng hành với những người nông dân nghèo. Việc tìm kiếm thu mua hàng nông sản, đưa hàng về vùng sâu, vùng xa, rồi dự án nuôi bò, trồng bắp ở vùng núi cao, tất cả đều cho thấy khát vọng mang lại những đổi thay cho người nghèo.



Về Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa, từ ngày được xây dựng đến nay đã mang lại những thay đổi tới mức kỳ diệu cho nhiều gia đình dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa. Tạo được chuyển biến như vậy là nhờ nhà máy đã đưa về các bản làng hàng chục cán bộ, kỹ sư, công nhân lành nghề, cầm tay chỉ việc cho bà con thiểu số, lấy sự phát triển của cộng đồng làm niềm vui, lẽ sống; đưa máy móc, phân bón, giống cây trồng về tận nơi, rồi tổ chức thu mua cũng chu đáo, không để người nghèo bị ép giá. Cách nghĩ, cách làm ấy thật đáng trân trọng. Kết quả những việc làm trên giúp cho người dân nhận ra rằng không phải cứ người dân tộc thiểu số, người dân vùng núi cao là phải chịu cảnh nghèo khổ, nếu biết tính toán, làm ăn hợp lý cùng với sự tiếp sức của các doanh nghiệp thì cuộc sống của người dân sẽ có nhiều đổi thay.

 

Từ thực tế, chúng tôi thiết nghĩ: Phải chăng cách làm thi đua cũng phải thay đổi, đó là gắn bó, sâu sát hơn với thực tiễn, đi tìm các nhân tố tích cực để khen thưởng, chứ không ngồi bàn giấy để nghe báo cáo với những công trạng được tô vẽ. Việc bình xét, công nhận các danh hiệu thi đua phải thực chất, chứ không cảm tính, hoặc là chịu sự tác động của những yếu tố nào đó mà quên đi những con người, những đơn vị, địa phương đang làm việc, nỗ lực thực sự, sáng tạo, chủ động vượt qua khó khăn để vươn lên. Chỉ khi nào gắn bó với cơ sở, tôn vinh những việc làm thực chất, lúc ấy việc công nhận danh hiệu thi đua mới bền vững, được tôn trọng và góp phần động viên, thúc đẩy sự phát triển của xã hội.


  QUỲNH ANH
( Báo Quảng Trị)

 

 

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác