This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 45

Số luợt truy cập: 469478

Văn hóa  >>   Tin tức

Về lại Xiêm Riệp


Đoạn đường từ thành phố Hồ Chí Minh đến Xiêm Riệp dài hơn 500 km trước đây phải đi mất 3 ngày, lóc xóc đường đất, gió bụi mù trời, hôm nay chúng tôi đi chưa đến 1 ngày do đường đã được xây dựng tốt hơn. Đang là mùa mưa, trên đất bạn hai bên đường trải một thảm xanh cây cỏ và hồ nước lớn nhỏ, băng qua các dòng sông nước cuồn cuộn chảy.

 

Hôm nay các đoàn khách đến thăm Xiêm Riệp khá đông, phần lớn vẫn là các đoàn xe chở du khách đến từ Việt Nam. Cách đây hai mươi lăm năm, tôi tạm biệt nơi đây lên đường về nước sau những tháng ngày cùng bạn khôi phục lại thị xã từ đổ nát, hoang tàn. Và cũng thật ấm lòng vì khi ra đi, Xiêm Riệp đã có bệnh viện, trường học với đủ các cấp học, khách sạn, đập nước Ba Rai, nhà máy điện đã đi vào vận hành, đem ánh sáng văn minh đến mọi phum sóc, bản làng. Bàn tay, khối óc, mồ hôi, công sức của các chuyên gia, công nhân đến từ tỉnh Bình Trị Thiên (cũ) đã tháng ngày sát cánh bên bạn, in đậm nét lên từng công trình của mảnh đất Xiêm Riệp buổi hồi sinh, tô thắm thêm tình hữu nghị Việt Nam- Campuchia. Quan trọng hơn, được sự chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm, học hỏi lẫn nhau của các chuyên gia đến từ Việt Nam, đội ngũ cán bộ, công nhân của bạn đã từng bước trưởng thành, được đào tạo bài bản, đủ sức đảm đương tốt nhiệm vụ khôi phục, xây dựng và bảo vệ đất nước Chùa Tháp xinh đẹp.

 

 

Còn nhớ ngày từ giả Xiêm Riệp, lãnh đạo các sở, phòng, ban, đơn vị của bạn đã đến thăm và chia tay chúng tôi, các em thiếu nhi đến tặng hoa trong tình cảm thật ấm áp, bồi hồi. Vài tháng sau, bạn lại cử đoàn về tỉnh Bình Trị Thiên thăm, cảm ơn và tặng huân chương cho các đồng chí đã có thành tích giúp Xiêm Riệp buổi đầu tạo lập cuộc sống mới sau những năm tháng đau khổ dưới chế độ diệt chủng Khơ me đỏ.

Trường THPT mang tên ngày giải phóng tỉnh Xiêm Riệp (10/1/1979), món quà do nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên (Việt Nam) xây tặng năm 1979

 

Mới đó mà hai mươi lăm năm đã qua, hôm nay về lại Xiêm Riệp, chúng tôi thấy phấn chấn trong lòng. Thị xã đã phát triển gấp trăm lần so với trước. Khu dân cư được xây dựng khá sầm uất, khách sạn cao tầng mọc lên ngày càng nhiều, chợ đêm nhộn nhịp người mua kẻ bán, có trung tâm biểu diễn nghệ thuật lớn, du khách đến tham quan tấp nập và số dân cũng tăng gấp nhiều lần. Hai bên bờ kênh Xiêm Riệp trải dài thảm cỏ xanh, được chăm chút cẩn thận và đẹp mắt. Nhiều ngôi nhà cũ, văn phòng, cơ quan đã chuyển ra ngoại ô về hướng huyện Chi Kreng, cách thị xã gần ba mươi cây số.

 

Tôi tìm đến văn phòng ủy ban mới để hỏi thăm cô Xa Rươn, trước đây được cử sang làm cấp dưỡng giúp đoàn chuyên gia Bình Trị Thiên tại Xiêm Riệp. Cô đang trên đường đến văn phòng. Tôi sốt ruột hỏi thăm địa chỉ nhà và nhờ anh lái xe chở về nhà cô. Vừa đến trước nhà, bà mẹ cô Xa Rươn năm nay hơn tám mươi tuổi mừng quá ôm lấy tôi, bà khóc như gặp lại đứa con lâu ngày trở về, tôi cũng rưng rưng không nói nên lời. Bà hỏi thăm tôi về chú Nguyện, chú Phong, anh Hùng thợ điện, anh Hối, anh Minh, bác Xếp, bác sĩ Huệ, cô Diệp y tá... nay làm gì, ở đâu, sức khỏe ra sao. Tôi hỏi thăm những người quen cũ ở Xiêm Riệp, chị Kitbôna, anh Chăn Xên, chú Rô Nôn, chú Nhắc Lai… phần nhiều trong số họ đã qua đời, còn mỗi anh Umphol, anh Xma trước đây công tác ở Sở Thương nghiệp nay đã nghỉ hưu. Cô Chanh, con bà mẹ cô Xa Rươn tranh thủ chở tôi đi thăm cô Ý ở Bưu điện, thăm cô Nga y tá nay là bác sĩ ở bệnh viện tỉnh và đặc biệt ghé thăm ngôi trường trung học phổ thông (10 January 1979 High School). Ngôi trường này mang tên ngày giải phóng tỉnh Xiêm Riệp (10/1/1979), món quà do nhân dân tỉnh Bình Trị Thiên tặng Xiêm Riệp từ năm 1979 nay bạn đã nâng cấp khang trang hơn. Tôi tranh thủ đến thăm nhà cô công nhân Ri Na ở vùng ngoại ô, trước đây cô Ri Na hay mời tôi và các bạn về nhà ăn xoài, hái thốt nốt. Đường đến nhà Ri Na vẫn trên con đường cũ, mái lá lụp xụp, chum nước nhỏ trước hiên nhà. Không có cô Ri Na ở nhà, chỉ gặp được hai bé con cô, tôi đã ân cần gửi chút quà cho cháu và bỗng chạnh lòng, hai mươi lăm năm qua rồi, nơi đây vẫn thế... Trong tôi thoáng một nỗi buồn mang mác. Buồn vì bạn bè thân quen ngày xưa mong một lần gặp lại nhau nhưng hầu hết họ đã ra đi; buồn vì những người nông dân hiền hòa nơi làng quê chân chất không mấy đổi thay, cái nghèo, cái khổ vẫn đeo đẳng trong khi thị xã Xiêm Riệp đang ngày càng sầm uất và phát triển vượt bậc.

 

Tôi trở lại thị xã Xiêm Riệp. Mẹ cô Xa Rươn mời cơm tối cả đoàn. Tôi nhận lời và không quên ghi lại số điện thoại anh Tỵ, cô Yến ở Phnompenh ngày mai về đó, tôi sẽ tranh thủ gặp.

 

Tối đó, tôi cùng mấy anh em trong đoàn Công ty TNHHMTV Thương mại Quảng Trị ghé lại nhà mẹ cô Xa Rươn uống bia Ăng Co, chụp ảnh lưu niệm, chia tay ra về mà lòng cứ dấy lên một cảm xúc buồn, vui lẫn lộn. Tôi cầu mong cho đất nước Campuchia thanh bình, có cuộc sống ấm no, hạnh phúc và mãi mãi là người bạn tốt của chúng ta.

 

Bài, ảnh: PHAN VĂN SINH (Theo Báo Quảng Trị)

 

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác