This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 51

Số luợt truy cập: 469548

Văn hóa  >>   Tin tức

4.0 Ở VÙNG BIÊN ẢI


 Ông Pả Dỏ, 60 tuổi, người dân tộc Vân Kiều mở smartphone bấm tạch tạch bằng hai ngón tay trông rất rất sành điệu, khoe: “Chỉ cần ấn vô chỗ này này, là tui có thể nối mạng với nhà máy sắn, gửi cho họ một thông báo là ngày nào thu hoạch, yêu cầu họ  điều xe đến chở, lập tức sẽ được đáp ứng ngay, khỏi phải chạy xe máy mấy chục cây số ngồi chầu chực đăng ký ở nhà máy”.

 

“Ấn vô chỗ này này” như lời ông Dỏ nói, tức là vào trang web của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa. Tôi tưởng ông này “nổ” cho vui sau tuần trà suông, hóa ra đúng như vậy. Ngồi bất cứ chỗ nào ở vùng biên giới này, bạn cũng có thể “ấn nút tạch tạch” trên smartphone để đạt được điều mình cần.

 

 
 Các thành viên Câu lạc bộ trăm triệu hướng dẫn cho các đại biểu nông dân Đông Timor cách cuốc đất trồng sắn

 

 

Bà con Vân Kiều ở đây, điều cần nhất với họ lúc này là làm sao bán sắn nhanh nhất và được giá cao nhất có thể. Mà muốn bán nhanh sắn, lại khỏi mất công lặn lội đường xa, cách tốt nhất là vào trang web của nhà máy để gửi yêu cầu. Nếu ai chưa có điều kiện sắm smartphone như ông Dỏ thì xài điện thoại “cục gạch” gọi về nhà máy, cũng sẽ được đáp ứng ngay.

 

Anh Hồ Xuân Hiếu, Tổng Giám đốc Công ty thương mại Quảng Trị, nói nửa đùa nửa thật: “Bốn chấm không (4.0) là đây chớ mô nữa, eng hì?”. Hóa ra thuật ngữ đang hot hiện nay “4.0” nó lại hiển hiện ngay trước mắt mình, lại ở vùng “khỉ ho cò gáy” này chứ chẳng cần đâu xa.

 

Ký ức vùng Lìa

Không biết từ bao giờ, dân Quảng Trị gọi nơi này là vùng Lìa, gồm 7 xã dọc vùng biên sát nước bạn Lào. Sao lại gọi là Lìa? Ông Dỏ lý giải: “Là chết đó, chia lìa đó!”. Ông kể: “Vùng ni ngày xưa thuộc diện rừng thiêng nước độc, muỗi mòng, sốt rét, hổ vồ, đói rét... đủ các loại “kẻ thù” bắt con người phải lìa nhau”.

 

 
 Ông Pả Dỏ (trái) trao đổi về vụ sắn sắp tới

 

 

Ra vậy. Hèn chi thực dân Pháp đã chọn vùng biên này để xây một nhà tù mang tên Lao Bảo, bắt những người cộng sản phải chết dần chết mòn nơi đây, hoặc ít ra thì cũng tiêu diệt được ý chí đấu tranh của họ nếu đày họ lên vùng rừng này.

 

 

Tên “lìa” đầy ám ảnh, luôn gợi nhớ đến cảnh đói kém cùng những cuộc chia ly nơi trần thế để tiễn người về cõi âm đã diễn ra trên vùng đất này suốt mấy chục năm sau ngày hòa bình. Mãi đến năm 2002, tên “lìa” gắn với đói khát mới được đưa vào bảo tàng của bộ nhớ người dân nơi đây khi xuất hiện một loại cây trồng vừa mới nhưng cũng vừa cũ: Cây sắn. Sắn là cây không lạ với người dân vùng Lìa, song cái cách nó gõ cửa từng gia đình thì vô cùng “lạ” và cũng đầy mê dụ.

 

 
 “Mảnh vườn Oganic” của ông Pả Dỏ được bón từ phân của vỏ sắn

 

Từ cây xóa đói đến cây làm giàu

Chưa ở đâu mà câu khẩu hiệu “Nuôi con gì trồng cây gì” lại sáng rõ như ở vùng Lìa này. Dấu vết còn lại của một thời tìm kiếm “cây gì” cho phù hợp với thổ nhưỡng nơi này vẫn còn khá rõ. Đó là những giống cây như xoài, cam, cao su, mía được du nhập từ miền xuôi lên vẫn còn rơi rớt lại trong các nương rẫy của đồng bào.

 

Những giống cây ấy đã từng giữ vai trò như “cứu cánh” với nhiều hy vọng sẽ giúp người dân nơi đây vượt qua cái đói, song tất cả đều dừng lại ở những “mô hình”. Cái đói vẫn không thôi buông tha hàng ngàn gia đình vùng Lìa.

 

Thế rồi, cây sắn lại được gõ cửa trong vai trò và vị thế mới: Xóa đói cho dân vùng Lìa. “Trồng sắn bây giờ không phải để giải quyết cái đói hằng ngày mà là để bán cho nhà máy, cũng xóa đói nhưng bằng... cơm” - cán bộ các trạm nông vụ của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đã giải thích như thế cho người dân. Những bước chân dè dặt với loại cây vừa cũ vừa mới này bắt đầu đặt những dấu mốc đầu tiên.

 

Anh Hồ Xuân Hiếu - Tổng Giám đốc Công ty Thương mại Quảng Trị mới tuổi 43 nhưng được dân Lìa gọi bằng “Pả Hiếu” từ gần 20 năm trước. Pả - theo cách nói của người Vân Kiều dành cho người đã có con, nhưng trong ngữ cảnh này, Hiếu được dân làng coi như thủ lĩnh trong công cuộc “sắn hóa” đồi nương.

 

Hiếu kể: “Tôi học khoa Cơ khí của Đại học Bách khoa Đà Nẵng, nói đến máy móc, ốc vít thì quen nhưng nói đến trồng sắn sao cho năng suất cao thì phải mò mẫm từ đầu. Nhưng nhiệt huyết của tuổi trẻ đã giúp tôi và các đồng nghiệp vượt qua tất cả để mang lại cho vùng Lìa một khuôn mặt mới”.

 

Trồng sắn thì không khó, song trồng có kỹ thuật để đạt năng suất cao thì lại là điều không dễ. “Cán bộ nó cầm tay chỉ việc từ khâu làm đất, bón phân, chăm sóc đến thu hoạch cho mình, nhờ vậy mới có được như hôm nay đó”, ông Dỏ chỉ tay về hai ngôi nhà sàn khang trang vừa mới xây dựng - thành quả từ cây sắn, khoe với khách.

 

Pả Dỏ là một trong hàng trăm thành viên, chủ yếu là bà con Vân Kiều gia nhập “Câu lạc bộ trăm triệu” của Nhà máy sắn Hướng Hóa. Từ một người được người khác “cầm tay chỉ việc”, ông Dỏ và hàng chục nông dân khác bây giờ đổi ngôi thành người “cầm tay chỉ việc” cho người khác. Đó là những nông dân Đông Timor sang Hướng Hóa “học tập kinh nghiệm trồng sắn” được anh em trong Câu lạc bộ trăm triệu chỉ vẽ cho họ từng động tác, trông rất là ... bờ-rồ (pro)!

 

Bây giờ, mọi thứ đã đi vào quy củ thì thoạt nghe có vẻ dễ dàng nhưng những ngày đầu tiên đi vận động người dân trồng sắn theo phương pháp mới, quả là điều gian nan.

 

“Biết đồng bào thích xem phim “hành động”, chúng tôi thuê máy móc, băng đĩa đáp ứng ngay. Nhưng bao giờ cũng kèm theo một clip... trồng sắn thủ sẵn bên cạnh. Đến đoạn cao trào, anh kỹ thuật “cắt” phim để chen cái clip hướng dẫn trồng sắn kèm với những lợi ích khi trồng loại cây này vào. Lúc đầu bà con cũng “hẫng” lắm nhưng rồi cái clip sắn ấy nó cứ thấm dần, trở thành “người hướng dẫn” cho đồng bào.

 

Từ 300 hecta năm 2003, nay diện tích sắn đã lên 4.100 hecta. Mỗi năm cây sắn đã mang lại cho vùng Lìa từ 150 đến 200 tỷ đồng, quả là con số quá ấn tượng. Từ việc “trồng lúa nhưng phải ăn sắn thay cơm”, giờ thì “trồng sắn nhưng lại ăn cơm với cá thịt” là một sự đổi thay kỳ diệu. Vùng Lìa đã không còn phải “lìa” vì đói khát mà người dân đã thật sự được xóa đói, đang vươn lên làm giàu từ cây sắn.

 

Để nhắc nhớ quá khứ đói nghèo với con cháu hôm nay, ông Dỏ dành một vạt nương để trồng 100 bụi sắn đỏ - loại sắn đã giúp gia đình 9 thành viên của ông vượt qua cái đói mấy mươi năm trước. Mỗi khi ăn loại sắn này, ông Dỏ lại “kể chuyện đời xưa” cho con cái trong nhà như nhắc lại quá khứ đói nghèo của gia đình mình.

 

4.0 là đây!

Đánh giá về việc đưa công nghệ vào sản xuất của Nhà máy sắn Hướng Hóa, ông Hà Sỹ Đồng - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị nói một điều được đúc kết từ thực tiễn: “Người dân trồng sắn có thể họ không hiểu 4.0 là gì nhưng họ là những người đang thực hiện cuộc “cách mạng” đó. Những người lãnh đạo trẻ tuổi ở Công ty Thương mại Quảng Trị và Nhà máy sắn Hướng Hóa đã giúp dân thực hiện điều ấy. Tôi xem đó như một bước đột phá căn cơ để thay đổi cuộc sống của chính họ”.

 

Đúng là những người như ông Dỏ, ông Khiết, ông Bảy cũng như các thành viên của “Câu lạc bộ trăm triệu” chắc không hiểu 4.0 là gì nhưng họ thực hiện cuộc “cách mạng” ấy thì quá thuần thục. “Việc nhà máy thiết lập trang web cùng hệ điều hành rất khoa học đã giúp cho người trồng sắn thuận tiện bao nhiêu”, ông Hồ Văn Chinh, thành viên của Câu lạc bộ trăm triệu nhận xét.

 

Anh Hiếu nói thêm: “Cán bộ nông vụ gần như thuộc từng vạt nương. Chỉ cần nghe người dân thông báo bán sắn ở đâu, diện tích bao nhiêu, sản lượng và ngày thu hoạch cụ thể là nhà máy có thể tính được đáp số để điều loại xe nào, bao nhiêu chiếc đến vận chuyển mà không sợ lãng phí khi sản lượng ít mà điều xe lớn hoặc ngược lại. Nhà máy có hẳn đội xe 150 chiếc và một đội cứu hộ để giải quyết sự cố và sửa chữa xe hỏng. Với công suất 1.000 tấn/ngày, nếu không quản lý như thế, nhà máy sẽ khó bề hoạt động thông suốt được. Cũng như nhà máy chủ trương rải vụ để kéo dài hoạt động lên 10 tháng, thay vì 7 tháng như trước đây, cũng là một cách để tránh tình trạng “no dồn đói góp” mà nhiều nhà máy khác đang gặp phải”.

 

Giải quyết nhanh gọn, đảm bảo củ sắn còn tươi nguyên trước khi cho vào nghiền để tinh bột đạt chất lượng cao nhất, cả nhà máy và người bán sắn đều “win-win”, tức cả hai “cùng thắng”, đó là phương châm hoạt động của nhà máy này. Họ đã đưa “cách mạng 4.0” đến tận giường ngủ của người dân nên hiệu quả luôn đạt ở mức cao nhất thì cũng không có gì lạ.

 

Từ mảnh đất đói nghèo, vùng Lìa nay đã thành “đất hứa”. “Cách mạng giải phóng đã giúp họ thoát khỏi ách ngoại bang, giờ cách mạng 4.0 đã đưa họ thoát khỏi đói nghèo. Tôi đánh giá cao cách nghĩ, cách làm của những người quản lý hãy còn rất trẻ ở đây”- ông Nguyễn Đức Chính - Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị đúc kết về cuộc “cách mạng 4.0” này. 

 

Theo Trần Đăng 

(Phóng sự cuộc thi viết về 50 năm Chiến thắng Khe Sanh – Báo Lao Động)

 

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác