This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 8

Số luợt truy cập: 469078

Văn hóa  >>   Tin tức

Những người thầm lặng làm nên sự khác biệt


 

HỒ SĨ BÌNH  (BÚT KÝ – PHÓNG SỰ DỰ THI VỀ 50 NĂM CHIẾN THẮNG KHE SANH)

Những ngày cuối tháng 4, tôi có dịp trở lại Khe Sanh- Lao Bảo và may mắn gặp hai người trong số những doanh nhân làm du lịch tại địa phương. Tôi thật sự bị cuốn hút theo câu chuyện và công việc mà họ đang đeo đuổi.

Làm du lịch thì phải “đi”

Làm du lịch không lo mà “đi” là thua ngay trên sân nhà đó anh.

Đó là câu nói được nhắc lại nhiều lần trong câu chuyện làm du lịch tại Lao Bảo với tôi của Trương Đình Hưng- Giám đốc Khách sạn Sê Pôn. Hưng còn trẻ, mới 39 tuổi nhưng đã có trên 15 năm gắn bó với du lịch trên con đường số 9 huyền thoại mà bây giờ có thêm một tên mới là EWEC (Hành lang kinh tế Đông- Tây).

Khách sạn Sê Pôn được thiết kế theo lối kiến trúc của đất nước Triệu Voi, dù đã xây dựng được 15 năm rồi nhưng vẫn giữ được cái nét riêng độc đáo không hề “lạc hậu” so với những công trình kiến trúc khác cùng thời điểm. Dù là ở miền núi xa xôi nhưng đánh giá về chất lượng dịch vụ so với toàn tỉnh, Sê Pôn nằm trong tốp 10.

 
 Khách sạn SEPON

Hưng kể, bây giờ khách thích tour trải nghiệm xuất ngoại qua Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo – Đen Sa Vẳn là đông nhất, mình hỗ trợ làm thủ tục xuất cảnh cho du khách Việt sang tham quan các di tích, thắng cảnh tại các tỉnh lân cận của Lào, vừa kết hợp những dịp hội hè để vui chơi, tìm hiểu văn hóa ẩm thực của đất nước Triệu Voi. Thực tế là khách Việt cảm thấy rất thích thú khi được trải nghiệm trong không gian những ngày lễ tết của Lào, ví như lễ Té nước. Hoặc thưởng thức những món ăn thấm đẫm hương vị của nước Lào như xôi lạp, xôi xụm, gà nướng…

Làm du lịch phải biết liên kết để phát triển, đặc biệt với các địa phương, quốc gia trên EWEC. Làm du lịch mà ngồi một chỗ thì thua ngay trên sân nhà anh ạ”, Hưng khẳng định. Hưng đã phải đi nhiều nơi, giới thiệu quảng bá kết nối với các đơn vị lữ hành các tỉnh. Anh liên hệ với Viện Mê Kông, tham gia hội thảo, giới thiệu và đối thoại về phát triển giao thương Xuyên Á thuộc khu vực 3 tỉnh Muc Đa Hán (Thái Lan), Savanakhet (Lào), Quảng Trị (Việt Nam). Anh thường tổ chức cho khách Lào tham gia tour ngắn ngày (option tour) 1, 2 ngày tại Việt Nam: Khởi hành từ khách sạn Sê Pôn, Lao Bảo, khách được tham quan những di tích, chứng tích lịch sử, văn hóa trên đường 9 rồi về ở lại Resort Cửa Việt để vui chơi tắm biển.

Mấy năm gần đây, khách quốc tế Lào, Thái, Hàn Quốc và Châu Âu lưu trú ở khách sạn Sê Pôn khá nhiều, họ thường chọn tuyến open tour Lào - Thái có điểm đón và điểm trả khách đều là ở khách sạn Sê Pôn. Với các cựu chiến binh Việt, họ sẽ được trải nghiệm những giây phút tuyệt vời trên đất nước bạn, được qua cửa khẩu, qua Ka Rôn, đến bảo tàng Bản Đông (Bảo tàng liên minh chiến đấu Lào-Việt do Bộ Quốc phòng Việt Nam xây dựng) tại huyện Sê Pôn để giao lưu kết nối sinh hoạt chung với cựu chiến binh Lào nhằm ôn lại những chiến tích truyền thống; thăm các chùa ở Đen Sa Vẳn; đến Sê Nô (cách cửa khẩu Lao Bảo 200 km) để thưởng thức món gà nướng độc đáo của ẩm thực Lào.

 

 
 Giao lưu gặp gỡ giữa cựu chiến binh Việt Nam và cựu chiến binh Lào tại Bảo tàng Bản Đông.(Savanakhet, Lào)

 Để tổ chức tốt tour này, đích thân Hưng phải ra tận các tỉnh có nhiều cựu chiến binh từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Lào -Việt nhất để trực tiếp cung cấp những thông tin cần thiết vì đa số cựu chiến binh đã lớn tuổi đều mong muốn thăm lại chiến trường xưa nhưng ngại vì không nhận được thông tin cụ thể, sợ thủ tục xuất cảnh qua Lào khó khăn, tốn kém. Khi mình làm tốt khâu quảng bá, kết nối thì sau đó nhiều đoàn cựu chiến binh các tỉnh ở miền Bắc đăng ký tour rất nhiều.

“Còn đối tượng là các cựu chiến binh của Mỹ?”, tôi hỏi. “Đa số khách Tây đến lưu trú tại khách sạn Sê Pôn - Hưng bộc bạch, mình tạo cho họ cảm giác thật sự yên tâm, thân ái và thực sự cầu thị, phải giúp họ thấy rằng, những di tích, những chứng tích trong chiến tranh không chỉ có ý nghĩa lịch sử mà còn mang giá trị văn hóa, nhân văn. Sự đổi thay trên một vùng đất chiến tranh dữ dội, khốc liệt, mức độ tàn phá thật kinh khủng trước đây giờ đã có những bước phát triển thật lớn lao, thể hiện khát vọng sống, khát vọng vươn lên của người dân luôn tạo cho họ sự thích thú anh ạ…”.

Chủ tịch UBND thị trấn Lao Bảo Nguyễn Hữu Dũng ngồi trong trụ sở, chỉ tay ra bờ hồ nói với tôi: “Khách sạn Sê Pôn nằm ngay trung tâm thị trấn Lao Bảo, có lợi thế là công ty con của một tập đoàn kinh doanh lớn nhất ở Quảng Trị (Công ty CP Thương mại Quảng Trị ), với chuỗi thương hiệu Sê Pôn từ các nông sản phẩm cho đến du lịch, dịch vụ… là niềm tự hào của thị trấn chúng tôi. Khách sạn Sê Pôn với các hoạt động lữ hành, du lịch xuyên Á góp phần quảng bá không nhỏ cho vùng đất Lao Bảo nói riêng và Hướng Hóa, Quảng Trị nói chung”.

Cách thị trấn Khe Sanh khoảng 6 km trên đường 9 là Làng Vây, một cứ điểm đã từng xảy ra những trận đánh ác liệt nhất, hy sinh mất mát từ hai phía là vô cùng lớn. Đã 50 năm rồi, bây giờ trở lại Làng Vây, là cả một màu xanh miên viễn của cây xanh. Nơi đây còn nổi tiếng một quán bán thịt gà thuộc loại “danh bất hư truyền”.

Quán Gà tươi Làng Vây làm gà đủ món theo kiểu dân dã Quảng Trị: Gà hấp chặt miếng rải một ít lá chanh thái mỏng, chấm muối tiêu, đúng là “con gà cục tác lá chanh” ăn với xôi. Gà kho với ném đập dập, gà nướng than tẩm ướp gia vị muối tiêu xì dầu, cháo gà, gà nấu canh lá giang… Món nào cũng rất hấp dẫn, nhất là không gian ẩm thực thật tuyệt vời, êm ả dưới bóng lá xanh mát và lộng gió.

Chủ nhân làm nên thương hiệu ấy là Phạm Văn Thụy, người gốc làng An Mô, xã Triệu Long, huyện Triệu Phong dưới xuôi, những năm đầu sau chiến tranh theo gia đình đi kinh tế mới lên Khe Sanh lập nghiệp.

Tôi hỏi, “cũng là gà mà như cách anh nấu, chế biến cũng như người khác thôi, chắc có bí quyết gì mà thịt gà của anh mới ngon rứa…”. “Chẳng có chi mô cả, ăn thua cách làm của mình thôi”, anh thật thà giải thích: Đầu tiên là nguồn nguyên liệu chế biến. Anh có sẵn một chuồng nuôi gà thả vườn trong khuôn viên Làng Vây. Nhưng nguồn cung cấp chính vẫn là chợ. Chọn loại gà quê chừng hai ký, hai ký rưỡi trở lên, mình phải đặt hàng mấy chị dưới Triệu Phước, Triệu Long mang lên. Nói rứa chứ nhiều khi đi cả buổi chợ không chọn được con nào. Nghe Thụy nói thế thì đủ biết chọn cho được con gà vừa ý không phải dễ. Trước khi chế biến, món gà xé, gà chặt không bao giờ luộc mà phải hấp, gà mới không bị khô. Anh cho biết gà phải ăn nóng.

Quy trình chế biến gà ở đây thì đơn giản nhưng để đảm bảo cho cái gọi là ngon để níu khách thì rất mất công. Khách phải đặt trước, phải hẹn giờ. Thường thì khi bắt đầu nổi lửa, chủ quán phải điện hỏi trước khách hàng giờ giấc chính xác tới quán để canh khoảng 15, 20 phút để nấu nướng, chuẩn bị cho kịp khi khách vừa tới quán là vừa lúc gà chín tới. Chính cái chuyện mất công gọi điện thoại, “hẹn giờ” cho gà lên bếp, lên mâm của chủ quán đã thực sự tạo ra sự khác biệt riêng có của Gà tươi Làng Vây với những hàng quán khác.

Anh cười: “Mình nấu như để cho cha mẹ mình ăn vậy anh à, phải kỹ… Gà mà để nguội sẽ bị khô, bị ê không còn giữ được mùi thơm và vị ngọt thanh của nó”. Món gà kho của anh cũng theo kiểu nông thôn Quảng Trị dân dã mà đậm đà, gà kho với ném và một ít lá chanh bỏ thêm vào trước khi hạ nồi. Mùi ném, ớt trái xắt lát và lá chanh um lại dậy bốc lên ngào ngạt thơm tho đáo để. “Và phải nhớ thêm điều này, anh nhắc, gà mà kho lại lần hai thì còn gì là ngon nữa. Nói cho gọn, gà làm con nào ăn con nấy không có cái chuyện xào đi xào lại lần hai.Vì thế, quán mới có tên là Gà tươi Làng Vây”, anh giải thích.

Nghe anh Thụy nói, tôi chợt nhớ hôm gặp Nguyễn Phú Sơn – Trưởng Phòng Văn hóa Thông tin huyện Hướng Hóa, anh cũng khoe: “Bây giờ, gà tươi Làng Vây đã trở thành một đặc sản trong danh mục ẩm thực vùng biên luôn được du khách khi đến Khe Sanh chọn lựa trước tiên. Bằng công việc nấu nướng kinh doanh một cách lặng lẽ và khiêm tốn với món ăn đơn giản, anh Phạm Văn Thụy đã góp phần tôn vinh cái giá trị văn hóa ẩm thực cho quê nhà Hướng Hóa”.

Chỉ tạo dựng mới mười mấy năm nay nhưng rất nhiều du khách, thường là đi theo nhóm mỗi lần đặt chân đến Khe Sanh đều muốn đến thưởng thức món gà tươi Làng Vây. Anh Thụy, vốn là người nông dân thật thà, cần cù, anh mở quán với suy nghĩ nấu nướng gà sao cho ngon để người ta đến quán, có như rứa mới ổn định cuộc sống cho gia đình. Ban đầu anh chẳng có một tư duy gì gọi là tạo dựng một món ăn đặc trưng cho ẩm thực vùng biên viễn Khe Sanh- Lao Bảo để phục vụ cho khách du lịch. Nhưng khi đã bắt đầu xây dựng được thương hiệu, anh ý thức được công việc mình đang làm phải hướng đến sự bền vững, không vì tham lợi, sợ mất công, mất thời gian mà bỏ qua quy trình chế biến  khắt khe do chính mình đặt ra. Và điều đó đã làm nên thương hiệu Gà tươi Làng Vây.

Du lịch Lao Bảo – Khe Sanh, đã có những người làm nên sự khác biệt từ cách nghĩ, cách làm và tất nhiên là kết quả cũng khác biệt với phần còn lại. Nhưng, tôi nghĩ, chỉ mỗi Trương Đình Hưng, Phạm Văn Thụy… khác biệt thôi thì chưa đủ! 

 

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác