This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 4

Số luợt truy cập: 469042

Văn hóa  >>   Tin tức

CẦN ỨNG DỤNG KHOA HỌC KỶ THUẬT VÀO CÂY SẮN


 

Cây sắn là một trong những cây thế mạnh của huyện Hướng Hóa đã được xây dựng thành vùng nguyên liệu phục vụ cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa. Những năm qua, vùng nguyên liệu sắn lớn nhất tỉnh này đã cơ bản đáp ứng tốt nhu cầu nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Tuy nhiên, 2 năm trở lại đây, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa rơi vào tình trạng thiếu nguyên liệu do năng suất sắn có xu hướng giảm dần mà nguyên nhân chính là do trồng sắn thiếu đầu tư thâm canh, chăm sóc.

Người dân Hướng Hóa trồng sắn

Toàn huyện Hướng Hóa hiện có 4.700 ha sắn, chủ yếu tập trung ở các xã vùng Lìa, đây là vùng đất đỏ ba dan, rất phù hợp để phát triển cây sắn. Những năm trước đây, với giống sắn KM94 vào thời kỳ mới phát triển vùng nguyên liệu cho năng suất từ 28- 35 tấn/ha. Tuy nhiên, cây sắn là một loại cây cần nhiều chất dinh dưỡng, nếu canh tác mà không cung cấp đủ dinh dưỡng cho cây thì cây sẽ tàn phá đất và năng suất giảm rất nhanh. Thế nhưng người trồng sắn nguyên liệu ở Hướng Hóa đã không bón phân cho sắn trong suốt quá trình dài hàng chục năm nay nên năng suất cứ giảm dần, đến vụ thu hoạch sắn năm nay chỉ còn 17 tấn/ha, giảm khoảng 50% năng suất so với thời kỳ đầu mới canh tác.

Xã Thuận có 450 ha sắn, người dân địa phương có nhiều hộ trồng được 1-3 ha nhưng chủ yếu theo phương thức quảng canh, không chăm sóc, chỉ đặt hom giống xuống rồi nhờ trời, chờ đến ngày thu hoạch. Gia đình ông Hồ A Kiêm, ở thôn Úp Ly, xã Thuận, huyện Hướng Hóa trồng được 3 ha sắn. Mấy năm trước đây sắn đạt năng suất cao, có nguồn thu nhập ổn định, cuộc sống được cải thiện đáng kể. Nhưng dần dần năng suất sắn giảm sút, thu nhập của gia đình ông cũng giảm sút theo. Ông Kiêm cho biết: “Người dân ở đây trồng sắn nhiều năm rồi nhưng càng ngày năng suất càng giảm. Cán bộ kỹ thuật khuyến cáo cần phải bón phân cho cây sắn nhưng diện tích rất rộng nên không thể bón xuể. Do vậy lâu nay, người dân trồng sắn mà không bón phân, chăm sóc gì cả nên sắn vụ sau năng suất thấp so với vụ trước”.

Trồng sắn có bón phân không chỉ tăng năng suất mà còn giữ cho đất khỏi bạc màu. Chi phí đầu tư phân bón cho trồng sắn khoảng 3- 4 triệu đồng/ha nhưng năng suất đạt từ 25- 30 tấn/ha, trong khi đó trồng không bón phân đến nay chỉ còn đạt năng suất 17 tấn/ha. Chính quyền xã Thuận cũng ý thức được điều này nên đã vận động nông dân bón phân cho sắn, song người dân ở xã Thuận không tuân theo với lý do trồng nhiều quá không thể bón phân được. Chủ tịch UBND xã Thuận Hồ Ta Cô cho biết: “Xã vận động tích cực nhưng người dân gần như không làm theo vì trồng nhiều quá không có sức để bón phân. Mà đất của dân thì dân tự quyết, xã chỉ vận động thôi. Sắp tới một số hộ chuyển sang trồng chuối nhưng điều người dân cần phải biết là trồng bất cứ cây gì cũng phải chăm bón, ứng dụng kỹ thuật thì mới có năng suất cao được”.

5 năm trở về trước, Nhà máy tinh bột sắn năm nào cũng sản xuất đạt sản lượng 60.000 tấn sản phẩm trở lên. Nhưng những năm qua, thời gian đạt công suất tối đa của nhà máy cứ ngắn lại, đồng nghĩa với việc sản lượng tinh bột sắn sản xuất giảm xuống do thiếu nguyên liệu, đến vụ sắn 2017- 2018 chỉ đạt 42.000 tấn sản phẩm tinh bột sắn và dự kiến vụ sắn năm 2018- 2019 giảm xuống còn 37.000- 35.000 tấn sản phẩm. Tổng sản lượng sắn nguyên liệu của toàn huyện Hướng Hóa vụ sắn năm 2018- 2019 chỉ đạt khoảng 80.000 tấn, bằng 62% sản lượng các vụ từ năm 2015 trở về trước và chỉ đáp ứng được khoảng 50% nhu cầu nguyên liệu của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa.

Vùng trồng sắn Hướng Hóa là vùng cung cấp nguyên liệu chủ yếu cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa. Sự sụt giảm năng suất này đã tác động trực tiếp đến tình hình sản xuất của nhà máy như thiếu nguyên liệu, nhà máy vận hành không hết công suất làm giảm hiệu quả sản xuất. Phó Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Tổng công ty thương mại Quảng Trị Lê Văn Thể cho biết: “Vùng nguyên liệu sắn Hướng Hóa đáp ứng nguyên liệu chủ yếu cho nhà máy. Những năm qua sắn bị sụt giảm năng suất đã ảnh hưởng lớn đến hiệu quả sản xuất của nhà máy. Trước tình trạng đó, nhà máy cũng đã triển khai nhiều giải pháp nhằm thúc đẩy nâng cao năng suất sắn nhưng vẫn chưa nhận được nhiều sự hợp tác của người dân”.

Đánh giá đúng nguyên nhân giảm năng suất sắn và để đảm bảo đủ nguồn nguyên liệu cho nhà máy hoạt động, Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa đã xây dựng mô hình trình diễn bón phân cho cây sắn để từ đó nhân ra diện rộng. Mỗi xã được triển khai thực hiện 1 mô hình điểm và đạt hiệu quả cao. Nhà máy đã hỗ trợ phân hữu cơ vi sinh và phân NPK cho nông dân bón tại các mô hình trình diễn. Hiệu quả đưa lại là sắn đạt được năng suất trên 25 tấn/ha. Tuy nhiên, các mô hình đã không được nhân rộng, nông dân không bón phân nếu không có sự hỗ trợ của nhà máy mà nhà máy lại không thể hỗ trợ thâm canh và hướng dẫn ứng dụng kĩ thuật trồng sắn cho toàn vùng nguyên liệu được. Ở đây cần có sự vào cuộc của chính quyền địa phương, ngành chức năng của huyện và thái độ sản xuất tích cực của người dân. Hiện tại đang có tình trạng nhiều hộ trồng sắn lâu năm không thâm canh nên kém hiệu quả chuyển đổi sang trồng các loại cây trồng khác. Điều này chính quyền xã và huyện cần có sự quản lý chặt chẽ sự chuyển đổi chứ người dân không nên thực hiện tùy tiện vì như vậy sẽ dễ dẫn đến phá vỡ quy hoạch vùng trồng sắn nguyên liệu cho nhà máy.

Thời gian qua, sắn tươi đang được giá trên thị trường, nhà máy thu mua sắn nguyên liệu với giá 3.000 đồng/kg. Đây là mức giá tốt, nếu người dân đầu tư thâm canh tăng năng suất lên gấp đôi hiện tại thì thu nhập từ trồng sắn không phải là thấp. Vấn đề tăng năng suất sắn và giữ ổn định giá sắn cũng có thể đồng thời diễn ra bởi mục tiêu là đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động chứ không phải sợ diễn ra tình trạng “được mùa mất giá” như nhiều nông sản khác. Đã đến lúc cần phải tập trung ứng dụng tiến bộ kỹ thuật vào sản xuất cây sắn chứ không phải chọn giải pháp chuyển đổi cây trồng trong vùng quy hoạch trồng sắn nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn. Với diện tích vùng nguyên liệu sắn rộng lớn thì cần tăng cường cơ giới hóa vào sản xuất cùng với đầu tư thâm canh tất cả các công đoạn trồng, chăm sóc sắn để đảm bảo nhiều lợi ích là giải phóng sức lao động, sử dụng cơ giới bón phân, làm cỏ chống bạc màu cho đất, tăng dinh dưỡng cho cây, từ đó mới tăng năng suất và hiệu quả trồng sắn; nhà máy cũng đủ nguồn nguyên liệu để sản xuất, không chỉ góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn đảm bảo an sinh xã hội.

Võ Thái Hòa

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác