This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 9

Số luợt truy cập: 469002

Văn hóa  >>   Tin tức

KHÔNG ĐỂ NÔNG DÂN TỰ ĐI MỘT MÌNH


Đầu tư mạnh vào tam nông, Cty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị đã làm nên những thành tựu nổi bật trong chiến lược phát triển của mình. Trong quá trình ấy, Cty luôn tính đến chuỗi giá trị bắt đầu từ việc quy hoạch vùng trồng cây, xây dựng NM, chế biến sản phẩm gắn thị trường để không ngừng tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp.


Chuỗi giá trị - phép tính đầu tiên

Cách đây mấy năm, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm NM Chế biến Tinh bột sắn Hướng Hóa của Cty TM Quảng Trị. Chủ tịch nước rất đỗi ngạc nhiên trước sự đổi thay về đời sống của bà con dân tộc Vân Kiều, Pa Cô dọc biên giới Việt - Lào.

Trong câu chuyện hôm ấy, Chủ tịch nước rất vui khi biết được nhờ chính sách chú trọng tam nông của Cty giúp bà con dân tộc biết cách phát triển nông nghiệp, mang lại cho mảnh đất và con người ở đây một sự đổi thay đầy thán phục.

Trí tuệ và sự đầu tư đúng hướng của Cty cùng sức lực của bà con đổ xuống, tiềm năng đất đai được đánh thức, mầm sắn nẩy lộc, cây chuối đâm chồi rồi vươn lên mạnh mẽ trong niềm hạnh phúc vô bờ bến của hàng vạn người dân vùng cao, biên giới.

Đến mùa thu hoạch, bà con nô nức ra rẫy. Ô tô của Cty đến tận nương rẫy thu mua sắn cho bà con với giá cao nhất. Hình ảnh cán bộ lặn lội thu mua hết sản phẩm nông nghiệp cho bà bất kể trong hoàn cảnh nào đã tạo dựng thêm niềm tin tưởng tuyệt đối trong lòng người dân lao động với DN nhà nước.

Câu chuyện vươn lên khẳng định uy tín thương hiệu của Cty TM Quảng Trị được bắt đầu từ khi Cty quyết định tập trung đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, rồi sau này là tam nông, chứ không còn đơn thuần kinh doanh thương mại.

 

 
 Ông Ayiuni Konishi - GĐ quốc gia ngân hàng ADB (thứ hai, bên trái qua) thăm mô hình phát triển của Cty TM Quảng Trị

 

Ông Hồ Xuân Hiếu - TGĐ Cty TM Quảng Trị kiêm GĐ NM Chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, tự tin: “Việc chuyển đổi cơ cấu, chiến lược phát triển của Cty luôn đi kèm tín hiệu thị trường để không ngừng tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm.

Dấu ấn đáng chú ý nhất của Cty là luôn tính đến chuỗi giá trị bắt đầu từ việc quy hoạch vùng trồng cây gắn liền với những nhà máy như NM chế biến Tinh bột sắn tại huyện Hướng Hóa; NM chế biến nông sản tại TP Đông Hà và NM chế biến mủ cao su tại huyện Cam Lộ... tạo thành một hệ thống liên hoàn, chuỗi giá trị của cây trồng, vật nuôi để nông dân và DN có đầu ra cùng tham gia, không bao giờ để nông dân tự đi một mình”.

Từ thành công cây sắn, Cty đang triển khai mô hình khép kín cùng người dân cho cây cao su, hồ tiêu, gạo đỏ, ném, lạc, ớt... Sự gắn kết trong sản xuất, kinh doanh của Cty với bà con nông dân chuyện tưởng dễ song không phải DN nào cũng làm được.

Phương châm của Cty là giúp nông dân trước. Kinh doanh phải vì mục đích phục vụ sự phát triển cộng đồng, xã hội. Kể về chuyện xắn tay góp phần phát triển nền nông nghiệp và nông thôn của Cty TM Quảng Trị, tôi nhớ cách đây chưa lâu, Bộ trưởng Bộ NN-PTNT Cao Đức Phát đã vào tận Quảng Trị để thăm và chứng kiến trại cải tạo giống bò của Cty tại Lao Bảo.

Thấy bò nội giống nhỏ, thịt ít, thế là Cty đã nhập bò của Thái Lan về để lai tạo giống nhằm mang lại lợi nhuận cho ngành chăn nuôi vừa kiểm soát được dịch bệnh, Bộ trưởng thừa nhận lần đầu tiên ông mới nghe thông tin này và đến kiểm tra chứng kiến tận mắt nên rất hài lòng.

Chủ đạo trong “liên kết 4 nhà”

Trở lại câu chuyện giúp người dân làm giàu nhờ trồng sắn của Cty TM Quảng Trị. Chuyện trồng sắn nhưng không chỉ riêng trồng sắn. Vùng biên giới luôn nhạy cảm với chuyện đất đai và tình trạng bà con hai bên biên giới du canh du cư qua lại làm ăn nên nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp.

Thấy được chuyện đó, Cty chủ trương vừa trồng sắn để tạo việc làm, tăng thu nhập cho bà con lại vừa giữ được đất đai vùng biên giới. Hình ảnh nông dân Hồ Ăm Thăng ở xã Pa Tầng, lần đầu tiên sở hữu 100 triệu đồng từ việc bán củ sắn mà người run rẩy vì sung sướng đã nói lên tất cả. Suốt đời người làm lụng vất vả nhưng chưa lần nào Ăm Thăng có được nhiều tiền vậy. Nhờ trồng sắn, Ăm Thăng mới có tiền.

Từ việc trồng sắn mà mỗi năm mỗi gia đình thu về được vài chục triệu đồng đến vài trăm triệu đồng là thực tế hấp dẫn đang diễn ra trong các thôn bản dân tộc giữa rẻo cao Trường Sơn.

Anh Hồ Măm ở xã A Dơi không giấu được nỗi vui sướng, nói: “Trước đây trồng sắn chỉ để lo cái ăn mà vẫn chưa đủ. Mấy năm trở lại đây, mỗi năm gia đình thu hoạch đến 140 tấn sắn, bán cho nhà máy được 280 triệu đồng, từ đó có tiền xây nhà, mua sắm đồ dùng”.

Tại vùng biên giới Hướng Hóa, những gia đình bà con dân tộc có thu nhập trên 100 triệu đồng mỗi năm từ việc trồng sắn là không ít, họ được Cty kết nạp vào “Câu lạc bộ trăm triệu”. Những thành viên này đã có lần được Cty thưởng cho một chuyến đi du lịch Thái Lan để học tập, trao đổi kinh nghiệm trồng sắn với các nước trong khu vực.

 

 
 Người trồng sắn có thu nhập cao được tôn vinh

 

 

 

Câu chuyện người Vân Kiều, Pa Cô được Cty dạy cho cách học trồng sắn và đổi đời nhớ trồng sắn, thực sự đã tạo ra một cuộc cách mạng trong nhận thức để bà con mạnh dạn áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp hiệu quả, bền vững.

Không chỉ trồng sắn, Cty phối hợp với huyện Cam Lộ nâng tầm thương hiệu cây hồ tiêu Cùa, giúp bà con nông dân thay đổi phương thức trồng lạc truyền thống bằng mô hình phủ ni-lon và bón phân hữu cơ vi sinh cho năng suất gấp đôi.

Ông Hồ Xuân Hiếu - TGĐ Cty TM Quảng Trị cho biết bắt đầu từ vụ trồng lạc tới, sẽ cho bà con nông dân ứng tiền mua ni-lon, phân bón và hỗ trợ thông tin kỹ thuật - thị trường để mở rộng sản xuất lạc theo quy trình kỹ thuật nâng cao.

Hiện tại, tiền đầu tư ni-lon mỗi sào trồng lạc chừng 220 ngàn đồng. Sau khi đầu tư, Cty sẽ thu mua hết sản phẩm lạc cho bà con với giá 20 ngàn đồng/kg lạc nhân, nếu giá lên sẽ điều chỉnh theo thị trường, giá xuống thấp hơn Cty cũng thu mua cho bà con mức 20 ngàn đồng/kg.

 Theo kế hoạch này, Cty phối hợp với huyện Cam Lộ trồng 1.000 ha lạc đúng quy trình kỹ thuật và sẽ xây dựng NM ép dầu lạc tại huyện Cam Lộ. Ông Hiếu khẳng định vấn đề liên kết 4 nhà trong sản xuất thì DN luôn đóng vai trò chủ đạo, lực lượng nòng cốt, thông qua DN để triển khai đồng bộ những giải pháp phát triển.

Bảo vệ môi trường để phát triển bền vững

Với tâm niệm sản xuất, kinh doanh phải có giải pháp bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, Cty TM Quảng Trị xây dựng dây chuyền sản xuất phân vi sinh tại NM Chế biến tinh bột sắn nhằm tận dụng 100% phế thải của quá trình chế biến củ sắn tươi. Mỗi năm dây chuyền này sản xuất khoảng 5.000 tấn phân rồi bán nợ phân bón cho nông dân với giá rẻ hơn giá thành sản xuất.

 

 
 Triển khai liên kết 4 nhà phục hồi thương hiệu tiêu Cùa do Cty thực hiện

 

 

Ông Andrew Head - Phó giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam, trong một lần đến thăm NM đã thốt lên: “Câu chuyện sản xuất phân bón vi sinh giá rẻ cho cây sắn của Cty TM Quảng Trị minh chứng cho óc sáng tạo của các DN tại Việt Nam, đứng đầu là ông Hồ Xuân Hiếu, TGĐ công ty. Tác động giảm nghèo và tác động về môi trường là rất lớn. Chúng tôi luôn hỗ trợ cho những sáng kiến nhằm giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển kinh tế bền vững như vậy”.

Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị Nguyễn Đức Cường đã đánh giá cao về chiến lược phát triển gắn với nông nghiệp của Cty TM Quảng Trị: “Nhiều thương hiệu nông sản như hồ tiêu Cùa, gạo đỏ, cao su, tinh bột sắn... được Cty nâng tầm có giá trị toàn cầu, thế giới biết đến thông qua con đường xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Không những giúp dân thêm giàu có, mà Cty còn chú trọng xây dựng hình ảnh nông thôn ngày càng hiện đại”.

151 danh hiệu các cấp

Chỉ trong thời gian 10 năm, Cty đã được Chủ tịch nước, Chính phủ, các Bộ, ngành, địa phương tặng thưởng 151 danh hiệu, như Huân chương Lao động hạng Nhất, Nhì, Ba, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Cúp vàng vì sự nghiệp Bảo vệ môi trường; giải thưởng Sao vàng đất Việt, 3 bằng Lao động sáng tạo... Cty đang phấn đấu đạt danh hiệu cao quý AHLĐ thời kỳ đổi mới vào năm 2013, nhân dịp tròn tuổi 40.

 

 

 

Theo Lâm Quang Huy ( Báo Nông nghiệp Việt Nam)

 

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác