This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 15

Số luợt truy cập: 467392

Văn hóa  >>   Môi Trường Doanh Nghiệp

Những triệu phú vùng Lìa


Bây giờ tìm triệu phú ở vùng Lìa (Hướng Hóa, Quảng Trị) không khó, chỉ riêng trồng sắn nguyên liệu cung cấp cho Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa cũng đã có 11 gia đình có thu nhập một năm trên 100 triệu đồng. 

Câu chuyện Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa tôn vinh và trao thưởng cho những hộ gia đình có doanh thu từ 100 triệu đồng trở lên từ việc cung cấp nguyên liệu cho nhà máy đã gây ra một hiệu ứng tích cực, tác động mạnh đến mọi sinh hoạt và đời sống của người dân vùng Lìa. Ở đâu người dân cũng bàn chuyện trồng sắn, trồng sắn để làm giàu và trồng sắn để được cả xã hội ghi nhận. 

Hồ Măm ở bản Prin C, A Dơi không giấu được nỗi vui sướng, ông nói: “Ngày xưa mình cũng trồng sắn nhưng chỉ trồng để có cái ăn, cả 7 xã vùng Lìa này chưa có ai trồng sắn mà giàu có lên được, nhưng mấy năm nay, nhờ có nhà máy mà vị thế cây sắn ở vùng Lìa đã được lên ngôi. Năm đầu tiên có nhà máy mình chỉ trồng chưa đầy một héc ta, vì chưa dám tin nhà máy thu mua hết, sợ để thối trên rẫy. Nhưng không ngờ năm đó sắn bán giá rất cao, mình mua được xe máy và có vốn đầu tư để mở rộng diện tích, và cứ thế 5 năm trở lại đây, năm nào mình cũng tiếp tục đầu tư khai hoang để trồng thêm sắn. Với diện tích trên 5 ha, gia đình mình đã thu hoạch được hơn 140 tấn bán cho nhà máy thu về 180 triệu đồng mỗi năm.” 

Cây sắn đã thật sự làm đổi đời biết bao gia đình người dân ở vùng Lìa nói chung và xã A Dơi nói riêng. Trong số 11 gia đình có thu nhập từ 100 triệu đồng trở lên nhờ trồng sắn ở vùng Lìa thì A Dơi có đến 5 hộ, ở Prin C ngoài Hồ Măm còn có Hồ Ốc cũng bán được 112 tấn sắn trong năm nay, thu 145 triệu đồng, ở bản A Dơi Đớ có Pả Hên trồng hơn 3 ha thu hoạch 93 tấn sắn, bán được 110 triệu đồng. 

Bên cạnh những hộ đồng bào dân tộc ít người có quỹ đất dồi dào đã tạo được nguồn thu lớn từ việc trồng sắn nguyên liệu, ở A Dơi còn có nhiều hộ gia đình đồng bào vùng xuôi lên xây dựng kinh tế mới đã biết tận dụng nguồn đất đai nơi đây để làm giàu, đó là các hộ gia đình anh Lê Cảnh Hiến, Lê Quảng Trường ở thôn Tân Hải đều có thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng nhờ trồng sắn. Điều đáng ghi nhận là 3 năm nay, bên cạnh cây sắn người dân ở A Dơi đã đầu tư phát triển cây cao su, coi đây là cây chiến lược lâu dài để thực hiện mục tiêu xóa đói giảm nghèo. 

Cùng với việc mở rộng diện tích cây cao su thì cây sắn xen canh cũng có cơ hội để phát triển. Theo anh Nguyễn Thanh Dũng, Phó chủ tịch UBND xã A Dơi thì sắp tới không phải toàn xã chỉ có 5 hộ có thu nhập trên 100 triệu đồng mà có thể nhiều hộ khác cũng đạt mức thu nhập này, vì dù là đồng bào dân tộc ít người hay bà con dưới xuôi lên lập nghiệp ai cũng nhận thức được rằng, với vùng đất giàu tiềm năng này, cây sắn, cây cao su là lối ra để thoát nghèo và vươn lên làm giàu. 

Từ A Dơi, chúng tôi phải đi gần 20 cây số nữa mới đến được bản Xa Truông, Pa Tầng để thăm gia đình Ăm Thăng, người đạt kỷ lục về sản lượng thu hoạch cũng như nguồn thu nhập từ trồng sắn. Ăm Thăng cho biết, đây là năm gia đình ông đầu tư nhiều nhất cho việc trồng sắn, với diện tích 8 ha, tuy không phải là năm sắn được mùa nhưng nhờ giá cao và ổn định nên gần 180 tấn sắn thu được bán cho nhà máy ông thu về gần 230 triệu đồng. Ông xúc động nói rằng, cây sắn, nhà máy chế biến tinh bột sắn đã thực sự làm thay đổi cuộc đời ông. Nếu như trước đây gia đình chật vật với cái ăn, đổ ra không biết bao nhiêu công sức nhưng vẫn đói nghèo, thì nay nhờ bám vào đất đai, nhờ thay đổi phương thức canh tác mà gia đình ông đã trở nên giàu có, no đủ. 

Ông nói rằng, dù mai đây cây cao su, cây cà phê có thể sẽ được phát triển mạnh mẽ ở Pa Tầng, nhưng cây sắn vẫn sẽ là cây quan trọng với nhiều hộ gia đình người dân nơi đây vì ngoài ưu điểm dễ trồng, cây sắn còn là cây công nghiệp ngắn ngày và dễ làm giàu vì nhà máy chế biến tinh bột sắn đã cam kết gắn bó lâu dài với vùng Lìa. Người dân Pa Tầng tin tưởng ở cách làm ăn đúng đắn của nhà máy nên đang mở rộng diện tích trồng sắn và nhiều người đã có nguồn thu nhập cao từ việc trồng sắn. Ở Xa Truông ngoài Ăm Thăng còn có hộ gia đình Ăm Ting trong niên vụ vừa qua cũng đã bán được 114 tấn sắn, thu được 148 triệu đồng. 

Trong số những triệu phú sắn ở vùng Lìa, người mà tôi ấn tượng nhất vẫn là Nguyễn Văn Hợp ở Bản Cheng, Hướng Lộc. Vất vả lắm chúng tôi mới tới được nhà anh ở trên một ngọn đồi cao, lồng lộng nắng gió. Năm 2003, từ làng quê Xuân Dương, Triệu Trung, Triệu Phong, vợ chồng Nguyễn Văn Hợp lên lập nghiệp ở vùng đất mới nhờ một sự tình cờ. Sau chuyến lên thăm và dự đám cưới người cháu ở vùng Lìa, thấy đất đai nơi này màu mỡ, quỹ đất lại dồi dào, dân cư thưa thớt, chả bù cho cuộc sống khốn khó ở quê nhà do đất chật người đông, ruộng đồng manh mún, trăm sự đều trông vào hạt thóc, chỉ riêng việc lo cho đủ cái ăn đã khó nói chi đến chuyện làm giàu.
 
Nhưng vì là con trai độc nhất trong gia đình, vợ chồng anh có bổn phận phải phụng dưỡng cha mẹ già, do đó những mơ ước ly hương để tìm vùng đất mới từng nung nấu trong anh vẫn không trở thành hiện thực. Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ, cân nhắc kỹ lưỡng, Hợp bàn với vợ và xin phép cha mẹ cho mình lên vùng Lìa lập nghiệp vì theo anh, nếu cứ luẩn quẫn với mấy sào ruộng thì đến lo cuộc sống cho 4 đứa con đang tuổi ăn tuổi lớn còn chật vật nói chi đến chuyện làm tròn chữ hiếu. 

Và khi được cha mẹ đồng tình, nhân dịp địa phương có đợt vận động di dân xây dựng vùng kinh tế mới, vợ chồng Hợp xung phong đến vùng Lìa vì anh đã nhìn thấy tiềm năng và triển vọng đổi đời ở vùng đất mới. Cơ hội đến với vợ chồng Hợp, khi những rẫy sắn đầu tiên của gia đình vào mùa thu hoạch thì Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa cũng vừa đi vào sản xuất. Với 1 ha sắn vụ đầu tiên thu hoạch bán cho nhà máy được 24 triệu đồng, cộng thêm nguồn thu 8 triệu từ bắp trồng xen sắn, vợ chồng Hợp đã có một nguồn vốn dắt lưng, Hợp cho biết, hơn 30 tuổi đời chưa bao giờ anh có được số tiền lớn như thế. 

Vốn xuất thân trong một gia đình nông dân cần cù, yêu lao động, thấy đất nhiều, đất tốt là ham, Hợp bàn với vợ dùng toàn bộ số tiền đầu tư khai hoang, thuê thêm đất, thuê mướn nhân công để mở rộng diện tích trồng sắn. Từ chỗ 1 ha ban đầu, 3 năm sau Hợp đã có 5 ha đất trồng sắn như hiện nay và ước muốn tích tụ thêm đất để làm giàu của anh chắc chắn sẽ không dừng lại ở con số đó. 

Anh nói rằng, với vùng đất bản Cheng, Hướng Lộc, hiện tại chưa có cây gì có thể thay thế được cây sắn. Cây sắn ở đây không cần phải đầu tư nhiều mà vẫn cho năng suất cao và chất lượng bột không thể nơi nào sánh được. Bí quyết để trồng sắn có hiệu quả theo anh là phải căn cứ vào địa thế đất đai để có phương pháp canh tác phù hợp. Hướng Lộc là vùng đất dốc, do đó không thể đưa cơ giới vào mà chỉ có thể trồng sắn bằng phương pháp thủ công, vấn đề quan trọng nhất là phải đảm bảo khung thời vụ và chú trọng việc chăm sóc. Với cây sắn ở đây, câu tục ngữ: công trồng là công bỏ, công làm cỏ là công ăn là vô cùng chính xác. Hợp cho biết thêm, sự ra đời và đi vào hoạt động của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa chính là cơ hội lớn nhất để người dân làm giàu. 

Có thể nói, nhờ việc trồng sắn mà không ít gia đình ở Hướng Lộc và cả vùng Lìa từ hai bàn tay trắng giờ đây đã có của ăn, của để và nhiều người đã trở nên giàu có, no đủ, mà gia đình anh Hợp là một ví dụ cụ thể. Kể từ năm 2005 đến nay, năm nào gia đình Nguyễn Văn Hợp cũng đứng trong tốp đầu về khối lượng cung cấp nguyên liệu và được nhà máy khen thưởng. Chỉ riêng vụ thu hoạch vừa qua, với 160 tấn củ nhập cho nhà máy, gia đình anh đã thu về 215 triệu đồng. Ở Hướng Lộc, ngoài gia đình Nguyễn Văn Hợp còn có gia đình Hồ Văn Chim ở bản Toa Roa cũng đã thu được 107 triệu đồng nhờ bán được 83 tấn sắn trong năm nay. 

Có lẽ sẽ rất thiếu sót nếu khi nói đến những triệu phú sắn ở vùng Lìa mà không kể đến Pả Dỏ ở thôn Thanh 4, xã Thanh và Côn Đa ở A Sau, A Túc. Trong một lần gặp tôi tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, Pả Dỏ nói: So với nhiều “kiện tướng” trồng sắn ở vùng Lìa mình là người thu nhập thấp nhất, chỉ 102 triệu đồng (78 tấn), thua cả Côn Đa ở A Túc (thu hoạch 90 tấn, bán được 117 triệu đồng), việc thu nhập thấp so với nhiều người khác mình không buồn mà chỉ càng thúc giục mình phấn đấu hơn thôi, nhưng điều mình buồn là xã Thanh mình không có nhiều “kiện tướng” trồng sắn như A Dơi, Ba Tầng, Hướng Lộc, không phải đất xã Thanh ít, kém màu mỡ mà có lẽ người xã Thanh còn chưa chịu vươn lên cho bằng chị, bằng em, nếu không nỗ lực thì đừng nói chuyện làm giàu mà lo đủ cái ăn còn khó…

(Nguồn:Trang thông tin điện tử huyện Hướng Hoá)

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến