This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 9

Số luợt truy cập: 467428

Văn hóa  >>   Tin tức

Cần tăng cường quản lý quy hoạch vùng trồng sắn nguyên liệu


 Theo báo cáo của ngành nông nghiệp tỉnh Quảng Trị, đến nay diện tích sắn trên toàn tỉnh đạt trên 11.000 ha. Cây sắn không chỉ là cây xóa đói giảm nghèo mà còn là cây làm giàu cho nhiều hộ gia đình, trong đó có nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở các vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Sự ra đời và đi vào hoạt động có hiệu quả của các nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn đã góp phần quan trọng tiêu thụ mỗi năm hàng chục ngàn tấn củ sắn tươi cho nông dân, tạo ra mặt hàng xuất khẩu quan trọng, tăng nguồn thu cho ngân sách địa phương. 


Hiện nay trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 3 nhà máy sản xuất tinh bột sắn với công suất 80.000 tấn tinh bột/năm, tăng gấp đôi so với 4 năm về trước. Để đảm bảo đủ nguyên liệu cho sản xuất, các nhà máy đã tích cực hỗ trợ người dân trồng sắn bằng cách tổ chức tập huấn, hướng dẫn thâm canh, bán phân trả góp, hỗ trợ giống ban đầu, thu mua nhanh gọn… để khuyến khích người dân trồng sắn cung cấp cho nhà máy. Do đó diện tích trồng sắn tăng dần qua từng năm. 


Theo quy hoạch của ngành nông nghiệp trong giai đoạn 2016-2021, toàn tỉnh phát triển khoảng 10.500 ha sắn. Nhưng theo số liệu thu mua thực tế của nhà máy sắn tổng hợp cho thấy diện tích trồng sắn trong toàn tỉnh đã lên đến khoảng 14.000 ha, bởi người dân tự phát trồng quá nhiều, ngành nông nghiệp tỉnh không thể kiểm soát được. Chỉ tính riêng niên vụ 2015-2016 hai địa phương có diện tích trồng sắn nhiều nhất là huyện Hướng Hóa và Đakrông theo quy hoạch chỉ hơn 5.200 ha nhưng thực tế lên đến hơn 8.500 ha. Theo tính toán để 3 nhà máy sản xuất được 600 tấn tinh bột/ngày thì cần 2.000 tấn nguyên liệu/ngày, tương đương với 100 ha sắn được thu hoạch. Để nhà máy sản xuất trong 9 tháng sẽ phải tiêu thụ 472.000 tấn sắn nguyên liệu. Trong khi đó sản lượng sắn thu hoạch bình quân 1 ha được 18 tấn thì phải có 26.000 ha nguyên liệu, lúc đó các nhà máy mới hoạt động hết công suất. 

Ông Nguyễn Ngọc Khả, Trưởng phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Hướng Hóa thừa nhận: “Hướng Hóa là địa phương được quy hoạch phát triển trồng sắn nhiều nhất tỉnh với 4.500 ha tập trung ở 8 xã vùng Lìa. Sắn rất thích nghi với điều kiện khô hạn của thời tiết vùng miền núi và có giá trị kinh tế cao. Đến nay, đã có hơn 100 hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện gia nhập Câu lạc bộ 100 triệu đồng của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, có nhiều hộ đạt 200 triệu đồng/năm. Do trồng sắn có thu nhập cao nên thời gian gần đây người dân đã phá bỏ một số loại cây nông nghiệp khác để mở rộng diện tích trồng sắn không theo quy hoạch của ngành nông nghiệp. Đơn cử ở các xã Hướng Linh, Hướng Sơn, Hướng Lập, Hướng Việt hiện người dân đang phát triển mới hơn 300 ha nhưng đây là những địa phương không nằm trong quy hoạch phát triển cây sắn. Địa phương cũng đã khuyến cáo với người dân không nên trồng sắn tràn lan mà tập trung đầu tư có hiệu quả để đảm bảo chất lượng. Bên cạnh đó, cần đảm bảo quỹ đất để phát triển cây trồng khác ổn định cuộc sống của người dân trên địa bàn... Nếu trồng sắn một cách tự phát ngoài quy hoạch sẽ gây khó khăn trong công tác quản lý đất đai, chuyển đổi cây trồng và đặc biệt là khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm vì nông dân phải tự chở sắn từ nơi trồng ra nơi bán chứ các nhà máy không thể “vươn tay” đến những địa bàn nhỏ lẻ, sản lượng ít”. 

 

 Sắn đang là cây trồng chủ lực ở Hướng Hóa



Mặc dù nhu cầu về thị trường nguyên liệu là rất lớn để đảm bảo cho các nhà máy hoạt động đủ công suất nhưng các doanh nghiệp cũng khuyến cáo ngành nông nghiệp không nên mở rộng diện tích trồng sắn như hiện nay mà phải khoanh vùng để thâm canh tăng năng suất cây trồng. Cần có định hướng cho người nông dân xen canh, gối vụ đảm bảo chất lượng cũng như thu hoạch của nông dân để có đầu ra ổn định, giúp các nhà máy thu mua kịp thời giảm bớt tình trạng cao điểm mùa vụ thì thừa nguyên liệu nhưng cuối vụ lại thiếu nguyên liệu sản xuất... 

Trao đổi xung quanh vấn đề này, đồng chí Hà Sỹ Đồng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh cho biết: “Trong quy hoạch của tỉnh, những vùng đất không sản xuất được lúa nước và các loại cây màu khác thì đưa vào trồng sắn. Nhưng do giá cả thị trường với nhu cầu tiêu thụ sắn của các nhà máy cao nên người dân đã tự phát mở rộng diện tích trồng sắn vượt 1/3 quy hoạch chung của tỉnh. Trước thực trạng trên, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo các địa phương và ngành chức năng kiểm tra thực tế phát triển cây sắn. Kiên quyết loại bỏ diện tích sắn tự phát, không nằm trong quy hoạch để chống bạc màu đất, ảnh hưởng đến diện tích đất nông nghiệp lâu dài. Vấn đề quan trọng nhất là xem xét, hướng dẫn người dân chuyển đổi cây trồng đúng mục đích phát triển bền vững về kinh tế, xã hội, môi trường. Đặc biệt là quán triệt với các nhà máy chế biến phải chủ động tìm kiếm thị trường, phải có được thị trường ổn định lâu dài để đảm bảo mức tiêu thụ sản phẩm cho dân. Tỉnh giao ngành nông nghiệp đẩy mạnh tuyên truyền, khuyến cáo nông dân phải ưu tiên diện tích đất trồng lúa, trồng cây công nghiệp, lâm nghiệp để tăng độ che phủ, nâng cao giá trị gia tăng; các sản phẩm nông nghiệp phải có thương hiệu để tham gia hội nhập kinh tế quốc tế đúng với đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp, đồng thời gắn với xây dựng nông thôn mới một cách bền vững”. 


Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác