This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 10

Số luợt truy cập: 469082

Văn hóa  >>   Tin tức

SẮN HƯỚNG HÓA MẤT MÙA NHƯNG ĐƯỢC GIÁ


 

 Những ngày sau tết, nông dân trồng sắn trên địa bàn vùng Lìa, huyện Hướng Hóa tất bật với việc hoán đổi công để thu hoạch sắn. Vụ này, dù sản lượng sắn giảm nhưng người dân vẫn phấn khởi vì giá sắn cao hơn so với mọi năm.

 

 
Người dân vùng Lìa khẩn trương thu hoạch sắn để kịp sản xuất niên vụ mới​

 

Vừa ra tết, hơn 20 người trong thôn A Cha, xã A Xing đã tập trung tại rẫy sắn của Ăm Khương ở cùng thôn để giúp gia đình anh thu hoạch sắn. Dù trời nắng khá gắt nhưng không khí lao động tại đây rất khẩn trương. Các khâu như nhổ sắn, tách củ ra khỏi thân sắn, cho củ sắn vào từng bao, thu gom vận chuyển, sắp xếp các bao sắn lên xe... được mọi người làm rất thuần thục. Sau gần 2 ngày, việc thu hoạch sắn của gia đình Ăm Khương hoàn tất. Vừa cùng với một số thanh niên sắp xếp bao sắn ngay ngắn trên xe bán tải, Ăm Khương cho biết: “Gia đình tôi có 2 ha sắn. Nếu như mọi năm thu hoạch được 3 xe sắn loại 10 tấn thì năm nay chỉ được hơn 1 xe. Nguyên nhân do chúng tôi thiếu giống, không có điều kiện cải tạo đất, bón đủ phân cho cây cộng với trời ít mưa, cây sắn thiếu nước nên vụ này cây sắn phát triển không tốt dẫn đến sản lượng giảm mạnh. Tuy nhiên, tôi và những người trồng sắn ở vùng Lìa phấn khởi vì năm nay Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua sắn củ tươi giá cao nhất từ trước đến nay với 2.500 đồng/ kg. Nhờ thế, nhà nào trồng sắn cũng thu nhập khá, có điều kiện trang trải chi phí trong gia đình và ăn tết đủ đầy hơn”.

 

Những năm qua, sắn là cây trồng chủ lực, góp phần xóa đói giảm nghèo cho người dân Hướng Hóa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã vùng Lìa, Húc và Hướng Linh. Toàn huyện hiện có trên 5.000 ha sắn, trong đó có 4.825 ha ổn định diện tích. Niên vụ năm 2018 - 2019, năng suất sắn đạt 151 tạ/ ha, giảm 3,2% so với năm 2017; sản lượng đạt 73.246 tấn, giảm 8% so với năm 2017. Vì thiếu nguyên liệu, ngay từ đầu mùa vụ thu hoạch, giá sắn tăng cao từ 1.700 - 2.500 đồng/kg tùy theo hàm lượng bột. Để đảm bảo đủ nguyên liệu, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa phải mở rộng thu mua sắn tận Pắc Xế (Lào), cách nhà máy trên 400 km. Theo báo cáo của nhà máy, từ đầu niên vụ 2018 - 2019 đến nay đơn vị thu mua được 133.000 tấn sắn củ tươi (riêng tháng 1/2019 thu mua được 20.000 tấn), trong đó nguyên liệu trên địa bàn Hướng Hóa 70%, địa bàn Đakrông và Lào 30%; so với niên vụ 2017 - 2018 sản lượng thu mua tăng 10% . Hiện nhà máy thu mua sắn củ tươi với giá bình quân 2.500 đồng/ kg (tùy theo hàm lượng tinh bột). Dự báo trong năm giá sắn sẽ tiếp tục tăng do sản lượng sắn ở các vùng nguyên liệu trên địa bàn tỉnh nói riêng, cả nước nói chung giảm. Riêng vùng Hướng Hóa và Đakrông, người dân không đầu tư thâm canh nên nhiều diện tích đất trồng sắn bị bạc màu, năng suất, sản lượng, hàm lượng tinh bột thấp, hiệu quả kinh tế trên đơn vị diện tích không cao; nguồn lực lao động giảm do thanh niên đi làm ăn xa; trong quá trình trồng sắn lượng mưa ít nên cây thiếu nước…Bên cạnh đó, những năm gần đây giá sắn thấp nên nhiều người dân chuyển đổi sang trồng những loại cây khác.

 

Giám đốc Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa Lê Văn Thể cho biết: “Kế hoạch sau tết đến cuối tháng 3/2019, Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hóa thu mua khoảng 30 nghìn tấn nguyên liệu ở Hướng Hóa và Đakrông. Ước tổng số tiền chi trả thu mua sắn nguyên liệu của nhà máy từ 370 - 400 tỉ đồng. Dự kiến những tháng cuối năm 2019, nhà máy thu mua khoảng 110.000 tấn nguyên liệu. Để bảo đảm giống đủ diện tích gieo trồng trong thời gian tới, ngay từ những ngày đầu năm mới, nhà máy đã cử cán bộ kĩ thuật vào tận các thôn, bản vùng Lìa vận động người dân thu hoạch sắn đúng thời vụ, thu gom trữ và bảo quản tránh hư hỏng giống, tránh tình trạng thiếu giống như những năm trước, đảm bảo cho vụ trồng mới”.

 

Mặc dù hiện nay giá sắn tăng nhưng nguy cơ thiếu nguyên liệu đối với doanh nghiệp thu mua sắn trong thời gian tới vẫn còn xảy ra. Phó Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa Lê Quang Thuận cho biết: “Chủ trương của huyện chỉ quy hoạch phát triển vùng nguyên liệu sắn từ 4.200 - 4.500 ha. Tuy nhiên, thực tế diện tích sắn trên địa bàn hiện nay vượt so với quy hoạch do một số người trồng sắn tự phát dẫn đến cung vượt cầu. Đây cũng là nguyên nhân dẫn đến chất lượng sắn không cao vì nhiều nơi đất đai và khí hậu không phù hợp để trồng sắn. Bên cạnh đó, giá sắn những năm qua bấp bênh, người trồng sắn vùng nguyên liệu không mặn mà với loại cây này nên không chú tâm chăm sóc, mà chuyển đổi sang trồng những loại cây có giá trị kinh tế cao hơn. Chủ trương của huyện vẫn giữ ổn định vùng nguyên liệu sắn hiện có. Bên cạnh đó, khuyến khích người dân chuyển đổi những diện tích trồng cây không hiệu quả (kể cả cây sắn) bằng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Vì thế, nhà máy chế biến tinh bột sắn trên địa bàn tỉnh cần chú trọng phát triển vùng nguyên liệu theo hướng bền vững, thâm canh tăng năng suất, có hướng giúp người dân sản xuất hiệu quả hơn”.

Theo Ko Kăn Sương ( Báo Quảng Trị)

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác