This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 19

Số luợt truy cập: 469680

Văn hóa  >>   Tin tức

SỰ CẦN THIẾT THÀNH LẬP BAN PHÁP CHẾ TẠI CÔNG TY THƯƠNG MẠI QUẢNG TRỊ


        Trong kinh doanh việc đảm bảo hoạt động của doanh nghiệp đúng pháp luật, phòng tránh rủi ro pháp lý là vô cùng quan trọng. Vì vậy, vai trò của các cố vấn pháp lý trong doanh nghiệp ngày càng được củng cố và xem trọng. Cố vấn pháp lý của doanh nghiệp có thể là các luật sư tư vấn, chuyên gia pháp lý hoặc tổ chức pháp chế trong doanh nghiệp. Đó là những nhân tố đảm bảo tính an toàn pháp lý trong kinh doanh của doanh nghiệp. Đối với các nước phát triển, quá trình hoạt động của doanh nghiệp không thể thiếu bóng dáng của các cố vấn pháp lý.

 

      Vai trò của các cố vấn pháp lý đối với hoạt động của doanh nghiệp trước đây chưa được các doanh nghiệp quan tâm. Trong những năm gần đây, hoạt động kinh doanh, thương mại chịu áp lực cạnh tranh ngày càng khốc liệt, nhất là sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới, nhiều doanh nghiệp đã tăng cường và củng cố vai trò của các cố vấn pháp lý trong hoạt động của mình. Tuy nhiên, vai trò của các cố vấn pháp lý chỉ mới được các doanh nghiệp ở những thành phố lớn quan tâm, còn các doanh nghiệp ở những tỉnh thành khác thì hầu như không để ý đến.Thời gian qua chúng ta đã có một số vụ tranh chấp trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp có tính chất quốc tế và phần thua thiệt đa số nghiêng về phía các doanh nghiệp Việt Nam. Nguyên nhân dẫn đến những rủi ro pháp lý của các doanh nghiệp trong thời gian qua là không am hiểu pháp luật và thông lệ quốc tế, thậm chí có doanh nghiệp không nắm được quy định của pháp luật Việt Nam, mà quan trọng hơn là các doanh nghiệp không thấy được vai trò của các cố vấn pháp lý trong đời sống doanh nghiệp nên thiếu quan tâm đầu tư. Vì vậy, ngay trong quá trình dự toán chi phí kinh doanh các doanh nghiệp chưa dự trù tài chính cho việc tư vấn pháp luật. Mặt khác, một số chủ doanh nghiệp có tâm lý ngại thuê luật sư tư vấn vì sợ chi phí cao, chất lượng của luật sư tư vấn trong nước còn hạn chế.

 

        Hiện nay không hẳn tất cả lãnh đạo của các doanh nghiệp đã hiểu đúng, đầy đủ, chính xác công việc pháp chế ở doanh nghiệp. Vậy nhiệm vụ của công tác pháp chế là gì? Căn cứ vào các qui định của Nhà nước (Nghị định số 122/2004/NĐ-CP ngày 18/5/2004 của Chính phủ; Thông tư số 07/2005/TT-BTP ngày 31/8/2005 của Bộ Tư pháp hướng dẫn thi hành một số điều của Nghị định số 122/2004/NĐ-CP về nghiệp vụ của các tổ chức pháp chế; Thông tư liên tịch số 01/2005/TTLT/BTP-BNV ngày 24/01/2005 của Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ về mô hình tổ chức pháp chế ở các doanh nghiệp Nhà nước…) và xuất phát từ nhu cầu thực tiễn của doanh nghiệp thì tổ chức pháp chế có vai trò hết sức quan trọng và cần phải được thành lập.

 

        Hiện nay, chúng ta đang hội nhập thế giới trên mọi lĩnh vực, phải xây dựng, sửa đổi, bổ sung một loạt các qui phạm pháp luật để tạo hành lang pháp lý an toàn cho chính chúng ta và cho các đối tác nước ngoài muốn đầu tư, hợp tác với Việt Nam. Trước bối cảnh này, để thực hiện tốt biện pháp quản lý bằng pháp luật ở công ty thì một trong những nhiệm vụ cần thiết là phải xây dựng và củng cố tổ chức pháp chế của công ty sao cho phù hợp với mô hình mới, đúng pháp luật và đạt hiệu quả cao nhất góp phần phát huy sức mạnh của công ty.

 

         Trong vài năm trở lại đây, hoạt động kinh doanh của Công ty thương mại Quảng Trị phát triển mạnh mẽ. Nhưng thách thức lớn nhất đối với công ty là nội lực của chính công ty. Tình hình chung hiện nay là nhận thức và trình độ pháp luật của nhiều cán bộ chủ chốt của công ty còn hạn chế. Không chỉ các chi nhánh mới thành lập mà cả ở những đơn vị hoạt động đã lâu, tình trạng phổ biến là người quản lý không nắm được các quy định cơ bản về pháp luật kinh doanh.

 

        Hoạt động của Công ty thương mại Quảng Trị liên quan đến rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề, địa bàn; vì vậy, cũng yêu cầu thực hiện nhiều quy định của pháp luật. Chúng ta kinh doanh một vài lĩnh vực nhạy cảm, biến động khách quan lớn nên rủi ro trong kinh doanh cao. Do đó, càng yêu cầu phải tuân thủ pháp luật một cách chặt chẽ, nghiêm túc. Chính vì vậy, không thể thiếu vai trò của bộ phận pháp chế trong hoạt động của công ty.

 

        Cùng với sự phát triển của nền kinh tế Việt Nam, hoạt động kinh doanh của Công ty thương mại Quảng Trị cũng đứng trước những cơ hội và thách thức trong giao thương quốc tế và những rui ro có thể xảy ra cùng với nó. Truyền thống tự đàm phán, ký kết và tự giải quyết tranh chấp trong thương mại, vốn đã trở thành thói quen của công ty nay đã trở nên không còn phù hợp nữa. Nay cần sử dụng đội ngũ tư vấn pháp lý, thậm chí có cả bộ phận pháp chế nội bộ, để đảm bảo cả lợi ích kinh doanh và an toàn pháp lý cho công ty. Tuy nhiên, mức độ và cách thức sử dụng ý kiến tư vấn pháp lý như thế nào là phù hợp thì cần nhìn nhận một cách đúng đắn.

 

        Trong tương lai, có thể công ty sẽ phải đối đầu liên tục với kiện tụng trong khi thông tin không được cập nhật, văn bản pháp luật còn nhiều lỗ hổng, dẫn đến rủi ro sẽ rất cao. Nếu không thay đổi, bản thân công ty sẽ bị ảnh hưởng. Pháp chế doanh nghiệp là tối quan trọng và không thể thiếu trong doanh nghiệp. Triển khai theo hướng thành lập hay thuê tư vấn đều có lợi phụ thuộc vào quy mô và tiềm lực của công ty. Thời gian qua đã có nhiều vụ kiện tụng khiến bản thân công ty phải giật mình nhìn lại. Trong kinh doanh, ký hợp đồng bắt buộc phải qua bộ phận pháp chế để kiểm tra nhằm kiểm soát được rủi ro hoặc hạn chế được rủi ro đến mức thấp nhất và ngăn ngừa được nợ xấu phát sinh. Tuy nhiên, hiện tại công ty bỏ qua khâu quan trọng này. Đây thật sự là một lỗ hổng rất lớn của công ty.

 

        Nghệ thuật kinh doanh là mềm dẻo, nghệ thuật pháp chế là nguyên tắc, nhưng để làm pháp chế cho kinh doanh và kinh doanh theo pháp chế, thì kinh doanh cần mềm dẻo một cách có nguyên tắc và pháp chế cần nguyên tắc một cách linh hoạt.

 

          Đã đến lúc Công ty thương mại Quảng Trị cần phải có cách nhìn nhận tích cực và đúng đắn hơn đối với sự tham gia của chuyên viên pháp lý trong hoạt động kinh doanh nói chung và hoạt động thương mại nói riêng. Chính điều này sẽ góp phần không nhỏ vào sự phát triển bền vững, ổn định và an toàn cho công ty.

LAM SƠN

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác