This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 18

Số luợt truy cập: 469674

Văn hóa  >>   Tin tức

Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ vượt khó khăn để sản xuất hiệu quả


 

Tính đến cuối năm 2012, trên địa bàn tỉnh Quảng Trị có 19.298 ha cao su, trong đó 10.930 ha đã cho khai thác với sản lượng mủ đạt 14.293 tấn/năm. Việc mở rộng diện tích cao su sẽ thúc đẩy việc đầu tư xây dựng các nhà máy chế biến mủ trên địa bàn.


Hiện toàn tỉnh có 8 cơ sở chế biến mủ cao su với tổng công suất khoảng 29.000 tấn/năm. Tuy nhiên trong năm 2012, tổng công suất hoạt động của các nhà máy chỉ đạt 10.000 tấn do sản lượng mủ không đủ cho các nhà máy hoạt động. Bên cạnh đó thị trường thu mua không ổn định, giá mủ luôn biến động do sự thao túng của tư thương gây thiệt hại đáng kể cho người trồng cao su và khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chủ động nguyên liệu.


Vì vậy, việc cấp phép xây dựng nhiều cơ sở chế biến mủ cao su như hiện nay sẽ đặt ra bài toán nan giải về mối tương quan giữa sản lượng mủ, diện tích cao su, đặc biệt là những tác động xấu về môi trường, dân sinh. Hiện nay lượng mủ trên địa bàn chỉ mới đáp ứng 60% cho các nhà máy hoạt động, số còn lại doanh nghiệp phải nhập từ ngoài tỉnh. Đặc biệt trong vài năm trở lại đây do giá mủ giảm vì thị trường xuất khẩu không ổn định cùng với thực trạng thiếu nguồn nguyên liệu nên đã có một vài nhà máy chế biến mủ cao su phải ngưng hoạt động. 

 

 
 Hệ thống xữ lý nước thải tại Nhà máy cao su

 

Đem mối quan ngại về nguyên liệu và ô nhiễm môi trường, chúng tôi tìm đến Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ của Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị nằm ở thôn Minh Hương, xã Cam Chính, huyện Cam Lộ. Đây là nhà máy ra đời muộn so với các nhà máy chế biến mủ cao su trên địa bàn tỉnh và trong thời điểm khó khăn của ngành công nghiệp cao su. Nhà máy có diện tích 10 ha gồm nhà xưởng sản xuất, kho chứa nguyên liệu, nhà kho thành phẩm, trạm cân điện tử, kho chứa bã cao su, khu xử lý môi trường, hệ thống PCCC, văn phòng điều hành…với tổng vốn đầu tư gần 70 tỷ đồng. Một thuận lợi cơ bản là nhà máy nằm ở vùng trọng điểm cây cao su của Cam Lộ gồm 3 xã Cam Chính, Cam Nghĩa và Cam Thành với diện tích trên 2.500 ha, trong đó có gần 1.500 ha đã cho khai thác. Mặt khác địa điểm đặt nhà máy nằm cách xa khu dân cư với khoảng cách gần 1 km.

 

Sau một năm đi vào hoạt động, tính đến cuối tháng 8/2013, Nhà máy đã thu mua được 1.750 tấn mủ, sản xuất được 1.740 tấn sản phẩm SVR3L, SVL10 đạt TCVN 3769:2004, đạt doanh thu 67,5 tỷ đồng. Bình quân mỗi ngày nhà máy thu mua đưa vào sản xuất 10 tấn mủ quy khô (tương đương 30 tấn mủ nước), trong đó thu mua riêng ở địa bàn huyện Cam Lộ là 6 tấn mủ quy khô. Với sản lượng mủ thu mua như hiện tại nhà máy chỉ hoạt động đạt công suất khoảng 2.000 tấn mủ/năm. Sở dĩ có sự khan hiếm về nguyên liệu chế biến là do giá bán cao su thành phẩm trên thị trường thế giới sụt giảm. Vì vậy, giá thu mua nguyên liệu giảm, chỉ dao động từ 14.000-16.000 đồng/kg mủ nước nên rất nhiều chủ vườn cây đã không cạo mủ vì giá bán không đủ chi phí thuê nhân công.

 


Trong điều kiện khó khăn chung nên từ đầu năm 2013 đến nay, trên địa bàn tỉnh đã có 4 nhà máy ngừng hoạt động vì nhiều lý do khác nhau thì Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ vẫn giữ được thị trường nguyên liệu và tổ chức sản xuất thường xuyên là một nỗ lực vượt khó của tập thể CB-CNV nhà máy và Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị.

 


Anh Hồ Đăng Vinh, Phó Giám đốc nhà máy cho biết: “Để chủ động được nguồn nguyên liệu, nhà máy đã thiết lập mạng lưới thu mua từ hơn 10 đại lý trên địa bàn huyện. Xây dựng phương pháp thu mua “một cửa” hiện đại để tạo thuận lợi trong việc giao dịch với khách hàng, đặc biệt là nhanh chóng, tiện lợi trong việc chuyển tiền. Ngoài các đại lý, nhà máy còn tổ chức thu mua trực tiếp các hộ dân, thu mua ở các tỉnh lân cận như Thừa Thiên- Huế, Quảng Bình nên đã phần nào chủ động được nguyên liệu. Mặt khác nhà máy triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cho người trồng cao su như kích cầu về giá, hỗ trợ chi phí vận chuyển, hỗ trợ a- xít đánh đông, tư vấn về kỹ thuật khai thác, kỹ thuật đánh đông và tổ chức hội nghị khách hàng để tiếp nhận đề xuất, kiến nghị của khách hàng từ đó có cơ chế thay đổi phù hợp…”

 

Bên cạnh việc triển khai nhiều giải pháp để chủ động nguồn nguyên liệu và xây dựng mối quan hệ bền chặt với các đại lý và hộ dân trồng cao su thì nhà máy còn chú trọng đến công tác xử lý môi trường. Bởi ngoài việc đầu tư theo chiều sâu, hoàn thiện sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao thì việc chế biến mủ có sử dụng a- xít sẽ thải ra môi trường gây ô nhiễm nguồn nước. Mặt khác cao su là sản phẩm có mùi hôi đặc thù nếu không đầu tư chế biến theo công nghệ cao thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, đời sống dân sinh.

 

Vì vậy, nhà máy đã đầu tư hệ thống dây chuyền xử lý môi trường, trong đó chú trọng đến việc xử lý nguồn nước thải, giảm thiểu ô nhiễm không khí, mùi hôi…trị giá gần 13 tỷ đồng. Thực tế ở các nhà máy chế biến mủ cao su ô nhiễm không khí chủ yếu là bụi khói mang theo các khí độc hại phát sinh từ ống khói lò sấy, bụi phát sinh do vận chuyển nguyên, nhiên liệu, sản phẩm; tiếng ồn, mùi hôi từ các công đoạn sản xuất.

 

Do đó, nhà máy đã kiểm tra sự cân bằng của máy khi lắp đặt, kiểm tra độ mòn chi tiết và thường xuyên bôi trơn dầu mỡ tránh tiếng ồn cơ học. Trang bị cho công nhân các phương tiện bảo hộ lao động thông dụng và mũ chống ồn. Trồng cây xanh xung quanh nhà máy và thiết kế nhà xưởng có chiều cao dưới 8 m. Hệ thống mương, rãnh của nhà máy đã được thoát nước thường xuyên, không để ứ đọng nước; không lưu trữ mủ tạp dài ngày. Những lúc cần thiết là tiến hành sục khí và xử dụng các chất ô xi hóa mạnh như NaOCl, KMnO4, O3, H2O2 nhằm ô xy hóa các chất gây mùi và triệt tiêu điều kiện phân hủy kỵ khí. Hệ thống mương rãnh dẫn nước thải ra hồ xử lý có nắp bê tông đậy kín để tránh bốc mùi ra ngoài. Dòng khí thải trước khi thải được dẫn qua một bể chứa các vật liệu hấp thụ (hoạt tính) để các chất có mùi sẽ được giữ lại trên bề mặt của chất hấp thụ. Mùi hôi phát sinh từ hệ thống xử lý nước thải nên việc vận hành và xử lý nước thải đúng quy trình để hạn chế sự phát tán của mùi hôi thoát ra từ hệ thống; ngoài ra còn có thể phun các chế phẩm EM để hạn chế mùi hôi khi cần thiết.

 

Do đặc điểm của công nghệ và sản phẩm, nhà máy chế biến mủ thường sử dụng một lượng nước thải rất lớn trong dây chuyền sản xuất, vì vậy nhà máy cũng thải ra một lượng nước thải tương ứng và lượng nước thải này ảnh hưởng đến các điều kiện vệ sinh môi trường, đặc biệt là gây ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước khi thải vào môi trường. Do đó nhà máy đã xây dựng hệ thống vận hành nước thải rất khoa học trên diện tích gần 1 ha.

 

Anh Hồ Đăng Vinh giới thiệu vắn tắt cho chúng tôi biết quy trình xử lý nước thải như sau: “Nước thải được chia thành hai dòng: Nước từ quá trình sản xuất mủ tạp và nước thải từ sản xuất mủ tinh. Dòng nước thải từ sản xuất mủ tạp được tách rác bằng cách song chắn rác tự động. Sau khi tách rác, nước thải được cho qua mương chắn cát để loại cát, đưa vào bể điều hòa để tránh gây mùi; khí được sục liên tục trong bể điều hòa ức chế quá trình lên men kỵ khí. Từ bể điều hòa nước thải được được bơm lên máng đo lưu lượng và được trích PAC và Polymer ngăn phản ứng đông và keo tụ. Sau quá trình phản ứng, nước thải được đưa qua bể lắng để giữ lại cặn. Nước sau khi lắng khá trong, có thể lọc qua bồn lọc áp lực để tái sử dụng hoặc đưa sang mương phân phối cấp vào bể sục khí để xử lý bằng quá trình vi sinh. Bùn được tách ra dưới đáy bể lắng được bơm sang bể chứa bùn và ép khô trước khi chuyển đi làm phân bón…”

 

Một ưu điểm nổi trội của dây chuyền xử lý nước thải của nhà máy là quy trình tận thu hạt cao su có trong nước thải. Tận dụng các hạt serum và những hạt cao su lơ lửng trong nước thải bán với giá 5 triệu đồng/1 tấn. Theo tính toán sơ bộ từ nguồn tận thu này khoảng 3-5 năm nhà máy sẽ hoàn vốn đầu tư hệ thống xử lý môi trường, một nguồn lợi nhuận mà các nhà máy chế biến mủ cao su thông thường không có.

 

Trao đổi với chúng tôi về những định hướng tiếp theo của nhà máy, anh Hồ Xuân Hiếu, Tổng giám đốc Công ty TNHH MTV Thương mại Quảng Trị cho biết: “Với dây chuyền công nghệ hiện đại như hiện nay, sản phẩm của nhà máy đã đạt tiêu chuẩn cao, được thị trường thế giới chấp thuận. Tuy nhiên nhà máy vẫn không ngừng cải tiến, đổi mới công nghệ để nâng cao chất lượng sản phẩm. Hiện nay nguyên liệu đang có sự cạnh tranh thiếu lành mạnh của các tư thương. Do đó với phương châm “hướng về nông dân và nông thôn”, công ty sẽ có những cơ chế, chính sách tiếp cận gần gũi với nông dân, liên tục hỗ trợ về công nghệ, phân bón để giúp họ nâng cao hiệu quả sản xuất, xây dựng mối quan hệ hài hòa, bền chặt với người dân trồng cao su để họ tự nguyện cung ứng nguyên liệu cho nhà máy chứ không thể thu mua nguyên liệu theo phương pháp cạnh tranh về giá. Có cơ chế thỏa đáng để tạo liên kết, ràng buộc tránh nhiệm giữa người trồng cao su với nhà máy mới chủ động được nguồn nguyên liệu đáp ứng cho nhà máy hoạt động hết công suất, đảm bảo sản xuất kinh doanh hiệu quả.”

 

                                                        Bài, ảnh: HỒ NGUYÊN KHA

 

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác