This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 10

Số luợt truy cập: 469702

Văn hóa  >>   Tin tức

PHÁT TRIỂN NHÀ MÁY CHẾ BIẾN CAO SU VÀ VẤN ĐỀ VÙNG NGUYÊN LIỆU


 Trong những năm qua trên địa bàn tỉnh đã có nhiều nhà máy, cơ sở chế biến sản phẩm nông, lâm nghiệp được đưa vào hoạt động, góp phần giải quyết khâu tiêu thụ sản phẩm cho nông dân. Bên cạnh những thuận lợi, thực tế cũng nảy sinh một số vấn đề như đối với sản phẩm cao su, vùng nguyên liệu chưa đáp ứng được nhu cầu sản xuất của các nhà máy, cơ sở chế biến hiện có trên địa bàn.

 

 
Nhà máy chế biến cao su Cam Lộ chỉ hoạt động được 50% công suất do thiếu nguyên liệu

 

 Năm 2016, Nhà máy chế biến cao su Cam Lộ thu mua 3.000 tấn mủ nguyên liệu để phục vụ sản xuất, bình quân mỗi ngày thu mua 10 tấn, mỗi năm sản xuất tập trung trong khoảng 200 ngày. Với số lượng mủ nguyên liệu như vậy mới chỉ đáp ứng được khoảng 45- 50% công suất hoạt động của nhà máy. Thời điểm này, cao su đang ở giai đoạn cuối vụ khai thác, các nhà máy đang đẩy mạnh hoạt động chế biến mủ để nghỉ sản xuất đợi mùa cao su thay lá.

 

 Anh Hồ Đăng Vinh, Giám đốc Nhà máy chế biến cao su Cam Lộ cho biết, đơn vị thường xuyên phải thu mua mủ nguyên liệu từ Lào, các tỉnh từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi mới đáp ứng cơ bản nguyên liệu phục vụ sản xuất. Trên thực tế, việc thiếu nguyên liệu đầu vào đã phát sinh nhiều vấn đề trong khai thác, sản xuất, chế biến và cạnh tranh trên thị trường. “Tình trạng nguyên liệu không đáp ứng đủ nhu cầu của các cơ sở chế biến trên địa bàn nảy sinh việc tranh mua tranh bán, giá thu mua của các cơ sở không thống nhất, không có sự liên kết với nhau làm ảnh hưởng không nhỏ đến lợi nhuận, chi phí tăng lên.

 

 Mặt khác, làm cho tâm lý người dân không ổn định, khi bán giá này, khi giá khác, rất khó cho các nhà máy khi tuân thủ thực hiện giá mua bán mủ theo sàn thị trường cao su chung của thế giới”, anh Vinh chia sẻ. Đối với nhà máy chế biến cao su Đức Hiền, xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh có công suất thiết kế 6.000 tấn/ năm, hiện tại sản lượng mủ thu mua trên địa bàn chỉ đáp ứng 1/3 công suất. Để đảm bảo sản xuất- kinh doanh, đơn vị phải mở rộng địa bàn thu mua sang các tỉnh lân cận, kéo theo việc chi phí sản xuất tăng.

 

 Ông Hoàng Văn Mạnh, Quản đốc nhà máy cho biết: “Nguồn nguyên liệu không ổn định nên không thuận lợi cho hoạt động sản xuất. Một vài năm trước đây, tình trạng cao su xuống giá khiến không ít người dân chặt bỏ cao su nên nguyên liệu đã ít càng ít hơn, trong khi cơ sở chế biến trong tỉnh thì khá nhiều nên để đảm bảo đủ nguyên liệu cho nhà máy hoạt động buộc doanh nghiệp phải rất chật vật xoay xở”.

 

 Tại xã Vĩnh Long, huyện Vĩnh Linh, cùng với các nhà máy đang hoạt động còn có thêm 4 nhà máy chế biến mủ cao su với công suất chế biến trên 15.000 tấn mủ/năm. Trong khi đó toàn huyện Vĩnh Linh có 6.000 ha cao su, sản lượng khai thác thực tế khoảng 7.000 tấn mủ. Như vậy, nguyên liệu đầu vào đáp ứng chưa được một nửa công suất của các nhà máy, cơ sở chế biến mủ trên địa bàn. Đó là chưa tính đến thiệt hại do cơn bão số 10 (năm 2013) khiến nhiều diện tích cao su đã bị gãy đổ, không phục hồi được.

 

Cùng với đó là tình trạng cao su rớt giá trong những năm qua nên người dân không mặn mà việc trồng mới, khai thác mủ nên sản lượng giảm đáng kể. Theo số liệu thống kê, trên địa bàn tỉnh hiện có 10 nhà máy, cơ sở chế biến mủ cao su, trong đó 8 nhà máy, cơ sở chế biến đang hoạt động với tổng công suất thiết kế của các nhà máy trên 35.000 tấn/năm. Thực tế cho thấy, sự phát triển của các nhà máy chế biến mủ cao su thời gian qua chưa phù hợp với nguồn nguyên liệu, hay nói đúng hơn là quy hoạch phát triển nhà máy chưa gắn với vùng nguyên liệu.

 

Đến năm 2016, diện tích cây cao su toàn tỉnh đưa vào khai thác khoảng 10.600 ha, sản lượng mủ khoảng 12.400 tấn. Với sản lượng khai thác trên thì nguồn nguyên liệu cung cấp cho các nhà máy chế biến cao su hiện nay chưa đáp ứng được 40% công suất thiết kế. Điều đó đặt ra những vấn đề khó khăn mà các doanh nghiệp phải tìm cách để giải quyết là phải mở rộng thị trường thu mua ra các tỉnh khác. Ông Trần Thanh Hiền, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT cho biết thêm: “Theo quy hoạch của tỉnh đến năm 2020, tổng diện tích cao su toàn tỉnh phải đạt 23.000 ha. Thực tế từ năm 2012 đến nay, do cao su rớt giá nên việc phát triển diện tích cao su chững lại.

 

Dự báo từ đây đến năm 2025, giá cao su sẽ tăng dần lên, tuy nhiên người dân vẫn chưa tập trung để phát triển thêm. Sản lượng chỉ mới đáp ứng 1/3 tổng công suất các nhà máy đã có, do đó không nên phát triển thêm nhà máy tránh đầu tư lãng phí cho các doanh nghiệp”.Theo tính toán, bình quân 1 ha cao su khai thác cho sản lượng mủ từ 1,2 đến 1,5 tấn mủ/năm, thì với diện tích khoảng 19 nghìn ha dự kiến đưa vào khai thác năm 2020 sản lượng mủ của cả tỉnh cũng chỉ đạt khoảng từ 23 đến 28 nghìn tấn. Trong khi đó, tổng công suất của các nhà máy chế biến mủ cao su hiện nay đã trên 35 nghìn tấn/năm. Như vậy sản lượng mủ cao su khai thác vẫn chưa đáp ứng được công suất của các nhà máy chế biến hiện có.

 

Cùng với vấn đề nguồn cung không ổn định, giá thu mua luôn biến động, việc tranh mua, tranh bán gay gắt giữa các cơ sở thu mua, chế biến trong tỉnh với nhau và với các cơ sở thu mua, chế biến ngoại tỉnh gây thiệt hại cho người trồng và khó khăn cho doanh nghiệp trong việc chủ động nguồn nguyên liệu cho sản xuất. Từ thực trạng trên, các cơ quan chức năng cũng như các địa phương cần sắp xếp, cơ cấu lại các cơ sở chế biến theo hướng khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị, chế biến sâu hơn để tăng năng suất, chất lượng sản phẩm nhằm tăng tính cạnh tranh trên thị trường.

 

 Cùng với đó, cần quản lí, kiểm soát tốt vấn đề ô nhiễm môi trường, có sự phối hợp chặt chẽ giữa các ngành chức năng với địa phương trong công tác quy hoạch vùng nguyên liệu, cấp phép xây dựng nhà máy, cơ sở chế biến cao su để khắc phục tình trạng mất cân đối giữa cung cấp nguyên liệu với xây dựng cơ sở chế biến cao su trên địa bàn tỉnh như hiện nay.

Theo Báo Quảng Trị

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác