This is alternative content.

HỖ TRỢ TRỰC TUYẾN
Tổng công ty
Viên nén năng lượng
Sản phẩm nhập khẩu
Khách sạn
Resort
Nông sản
WEBSITE LIÊN KẾT

Tổng số online: 2

Số luợt truy cập: 470668

Văn hóa  >>   Tin tức

Doanh nghiệp Quảng Trị trưởng thành cùng quê hương


 

 

- Sát cánh cùng nông dân 

Công ty Thương mại Quảng Trị ra đời từ những ngày đầu tỉnh Quảng Trị vừa được giải phóng (1973), trải qua biết bao biến cố thăng trầm của lịch sử và những thay đổi của cơ chế quản lý, công ty chỉ thật sự đứng vững và không ngừng phát triển sau ngày tỉnh nhà được lập lại. Không chỉ sản xuất kinh doanh có hiệu quả, tạo việc làm ổn định cho người lao động, công ty đã gắn bó với người nông dân tạo ra nhiều sản phẩm xuất khẩu có giá trị.
 

Nhờ tận dụng các lợi thế của nền nông nghiệp địa phương, công ty đã đầu tư các nhà máy chế biến nông sản xuất khẩu nhằm giải quyết đầu ra cho nông sản, tạo nguồn thu từ xuất khẩu nông sản, giúp nông dân xóa đói giảm nghèo. Từ hoạt động thương mại đơn thuần đến nay công ty đã vươn lên mở rộng ngành nghề SXKD, chủ động tham gia vào quá trình hội nhập kinh tế thế giới. Chính nhờ sự năng động, đón đầu xu thế hội nhập, công ty tích cực mở rộng quan hệ thương mại với thị trường 15 nước trên thế giới như Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc và một số nước châu Âu, đặc biệt là các nước trong khu vực như Thái Lan, Lào, Trung Quốc, Singapore...

 

 
 Nhờ có Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, sản phẩm sắn củ tươi của đồng bào dân tộc thiểu số ở Hướng Hóa, Đakrông được tiêu thụ dễ dàng -Ảnh: H.N.K

 

Mạng lưới phân phối hàng hóa nội địa trải rộng trên cả nước, từ siêu thị lớn có uy tín đến các cửa hàng, trung tâm thương mại, qua đó khẳng định vững chắc thương hiệu, uy tín trên thương trường bằng các chỉ số sản xuất kinh doanh tăng trưởng năm sau cao hơn năm trước, chứng minh sự thích ứng của Công ty với cơ chế thị trường. Chỉ tính riêng trong năm 2013, doanh thu của công ty đạt 571 tỷ đồng, tăng 115% so với năm 2012. 

Với phương châm sát cánh cùng người nghèo và hướng mục tiêu phát triển vào nông nghiệp - nông thôn - nông dân, công ty đã chủ động xây dựng những nhà máy, xí nghiệp ngay tại vùng nguyên liệu, gắn liền hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp với phát triển sản xuất nông nghiệp, xây dựng nông thôn, như Nhà máy chế biến nông sản Đông Hà với nhiệm vụ thu mua, chế biến, quảng bá và kinh doanh các loại nông sản đặc sản của tỉnh, Nhà máy sản xuất phân vi sinh Hướng Hoá với sản phẩm phân vi sinh chất lượng cao, giá rẻ thích hợp với nhiều loại cây trồng; Nhà máy tinh bột sắn Hướng Hoá với sản phẩm tinh bột sắn SEPON đem lại thu nhập đáng kể cho đồng bào dân tộc trồng sắn ở các xã vùng Lìa; Nhà máy chế biến mủ cao su Cam Lộ đóng ở vùng Cùa; Trung tâm thực nghiệm và chuyển giao kỹ thuật nông nghiệp với nhiệm vụ cung cấp giống cây trồng vật nuôi mới, chất lượng cao cho người nông dân.
 

Đặc biệt công ty đã có chính sách phát triển sản xuất, thu mua nguyên liệu hợp lý, hình thành các vùng sản xuất cung cấp nguyên liệu, tạo thị trường tiêu thụ nông sản ổn định, giúp người dân nâng cao thu nhập cải thiện cuộc sống, nhiều hộ gia đình đã trở nên giàu có, no đủ. Để khuyến khích người dân phát triển sản xuất và làm giàu, công ty cũng đã thành lập “Câu lạc bộ 100 triệu đồng” tập hợp những người trồng sắn tiêu biểu với 100 thành viên tham gia, trong đó nhiều thành viên có mức thu nhập trên 300 triệu đồng/năm.
 

Có thể nói, sự phát triển của doanh nghiệp luôn gắn bó với người nông dân. Tại Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hóa, bên cạnh việc mở rộng sản xuất, công ty đã hình thành đội ngũ cán bộ nông vụ, cán bộ khuyến nông trực tiếp cắm bản, đưa những tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa giống mới vào sản xuất để giúp người dân nâng cao năng suất và sản lượng. Nhờ có chính sách thu mua hợp lý, khuyến khích sản xuất phát triển nên diện tích trồng sắn trên địa bàn không ngừng được mở rộng, từ chưa đầy 1.000 ha mười năm trước đã đạt trên 4.500 ha vào 2014, và đây chính là cơ sở vững chắc để nhà máy nâng công suất từ 50 tấn sản phẩm/ngày (năm 2004) tăng lên 200 tấn sản phẩm/ngày như hiện nay. Cây sắn giờ đây không chỉ là cây xoá đói, giảm nghèo mà là cây làm giàu cho bà con nông dân, đặc biệt là các xã vùng sâu vùng xa. Không chỉ cây sắn mà nhiều sản phẩm nông nghiệp khác của địa phương cũng đã tìm được thị trường tiêu thụ thông qua sự liên kết của doanh nghiệp đó là sản phẩm tiêu Cùa, rau sạch ở Đông Hà, gạo trắng Hải Phú (Hải Lăng), gạo đỏ Triệu Phước (Triệu Phong), phát triển cây ném ở Hải Lăng, cây môn ở Vĩnh Linh... Một số sản phẩm đã tìm được chỗ đứng vững chắc trên thị trường và được thế giới công nhận như như tiêu Cùa, tinh bột sắn Hướng Hóa.
 

Bên cạnh đó, Công ty thương mại Quảng Trị còn là doanh nghiệp tiên phong trong phong trào chung tay xây dựng nông thôn mới của tỉnh nhà, tích cực hỗ trợ các địa phương sửa chữa nhiều tuyến đường liên thôn, xã ở vùng Lìa, làm đường vào bản Cheng (Hướng Lộc, Hướng Hóa), hỗ trợ phong trào “thắp sáng đường quê” ở Cam Chính (Cam Lộ). Với sản phẩm phân bón sinh học chất lượng cao, nhiều năm qua công ty đã hỗ trợ hàng ngàn tấn phân bón giá rẻ, đồng thời hướng dẫn đồng bào thiểu số kỹ thuật canh tác trên vùng đất dốc bằng việc bón phân nhằm nâng cao sản phẩm nông nghiệp đảm bảo độ bền vững cho đất. Triển khai sấy lúa giúp dân trong lúc gặp mưa bão; nuôi lợn, nuôi gà góp phần bình ổn giá thị trường trong dịp tết, dự trữ hàng để phòng chống bão lụt, tổ chức bán lưu động và bình ổn giá cho đồng bào vùng sâu, vùng xa.
 

“Bà đỡ” của nông dân 

Trong suốt quá trình phát triển, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Quảng Trị đã nỗ lực cho sự phát triển nông nghiệp, nông thôn, xóa đói giảm nghèo của hàng ngàn hộ gia đình trên địa bàn.
 

Theo đó, Agribank Quảng Trị đã chủ động cân đối nguồn vốn để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn của các huyện, thị xã, thành phố. Đặc biệt là tích cực triển khai thực hiện Nghị định 41/2010/NĐ-CP ngày 12/4/2010 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn. Cùng với việc đẩy mạnh cho vay các thành phần kinh tế, Agribank Quảng Trị đã chủ động ưu tiên nguồn vốn cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn.

Tính đến tháng 31/8/2013 tổng dư nợ cho vay theo Nghị định 41 đạt 3.899 tỷ đồng. Nhờ chính sách bảo đảm tiền vay thông thoáng, đối tượng vay vốn được mở rộng theo qui định tại Nghị định 41/2010 đã tạo điều kiện cho các hộ gia đình, cá nhân, doanh nghiệp có điều kiện vay vốn mở rộng sản xuất, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa mang giá trị cao, thoát nghèo bền vững, vươn lên khá giả. Đồng vốn tín dụng của Agribank đã thực sự phát huy được hiệu quả cao, góp phần đảm bảo an ninh lương thực, thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong nông nghiệp, nông thôn. 

Gia đình anh Hồ Văn Hoàn và chị Nguyễn Thị Liễn ở thôn Lâm Cao (Vĩnh Lâm, Vĩnh Linh) nhờ có số vốn vay ngân hàng 600 triệu đồng của ngân hàng mà đã mở được đại lý thức ăn gia súc, phát triển trang trại lợn, cá, đầu tư máy gặt đập liên hợp để làm dịch vụ nông nghiệp. Nhờ biết quản lý nguồn vốn và đầu tư đúng ngành nghề nên mỗi năm gia đình thu lãi khoảng 120 triệu đồng. Khi được hỏi về hiệu quả của đồng vốn vay, anh Hoàn cho biết: “Vợ chồng tôi ra ở riêng, gia tài chỉ có 1 ngôi nhà tạm bợ và mấy sào ruộng, nếu không có nguồn vốn đầu tư của ngân hàng thì chắc chắn không có cơ ngơi như ngày hôm nay”. Hiện nay gia đình anh có 0,5 ha tôm, 2 máy gặt đập liên hợp trị giá 1,1 tỷ đồng và một trang trại tổng hợp diện tích 1 ha.
 

Ông Hoàng Minh Thông, Giám đốc Agribank Quảng Trị cho biết: “Nhờ bám sát chủ trương phát triển KT-XH của từng đia phương, khảo sát nhu cầu vay vốn của từng hộ gia đình theo từng thời điểm nên nguồn vốn của ngân hàng đã đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và đúng đối tượng, người vay đã phát huy được hiệu quả từ vốn vay. Đặc biệt là hạn chế tối đa việc cho vay nặng lãi, làm lành mạnh hoá thị trường tín dụng ở nông thôn. Tuy nhiên việc đầu tư ở khu vực nông nghiệp, nông thôn tiềm ẩn rất nhiều rủi ro, đặc biệt với một tỉnh thường xuyên bị thiên tai, hạn hán, dịch bệnh như Quảng Trị nên có một bộ phận tín dụng chậm luân chuyển phải gia hạn nợ, điều chỉnh, khoanh nợ làm ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng, khoản vay không có bảo đảm hoặc có bảo đảm tài sản ở địa bàn nông thôn khó phát mãi nên chi phí trích lập dự phòng lớn ảnh hưởng nhiều đến kết quả tài chính của Chi nhánh”.
 

Việc đầu tư vốn cho các hộ dân phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập và cải thiện điều kiện sống của Agribank Quảng Trị là phù hợp và mang lại hiệu quả tích cực. Tuy nhiên hiện nay nhu cầu đầu tư vốn cho lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn là rất lớn trong khi đó khả năng huy động vốn từ dân cư ở lĩnh vực này chiếm tỷ trọng nhỏ do mức tích lũy trong dân cư thấp vì vậy Agribank Quảng Trị vẫn chưa chủ động được nguồn vốn để đáp ứng đủ nhu cầu vốn trên địa bàn. Việc chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hoá còn chậm, ngành nghề, dịch vụ có phát triển nhưng vẫn còn thấp và gặp khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm. Dư nợ đầu tư cho vay đối với lĩnh vực HTX còn ở mức hạn chế, chiếm tỷ trọng thấp trong tổng dư nợ.
 

Thương hiệu Việt, nhìn từ Việt Hồng Chinh 

Cách đây vài năm, trên 50% mặt hàng phụ tùng xe máy, xe đạp mà Công ty CPTM XNK Việt Hồng Chinh cung ứng cho thị trường là hàng ngoại có xuất xứ từ Thái Lan, Đài Loan, Nhật Bản, Trung Quốc nhưng hiện nay 100% sản phẩm phụ tùng Việt Hồng Chinh kinh doanh là hàng Việt Nam, sản xuất tại các công ty uy tín như: Mạnh Quang, Tân Hòa, Toàn Lực, Sông Công - Hà Đông, Việt Long, cao su Đà Nẵng, cao su Sao Vàng…Việt Hồng Chinh trở thành đơn vị tiêu biểu hưởng ứng cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” trên địa bàn tỉnh. 

Ông Nguyễn Trường Chinh, Tổng giám đốc Công ty CPTM XNK Việt Hồng Chinh cho biết: “Từ khi chuyển sang kinh doanh hàng nội địa, chúng tôi đã đàm phán và trực tiếp ký hợp đồng làm nhà phân phối sản phẩm phụ tùng xe máy, xe đạp cho các công ty uy tín trong nước nên được lấy hàng tận nơi sản xuất vừa tránh được hàng giả, hàng nhái vừa có quyền đổi, trả khi hàng không đảm bảo chất lượng, vì vậy công ty có cơ sở để đảm bảo chắc chắn chất lượng với khách hàng. Đặc biệt, thời gian qua nhà nước đẩy mạnh thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”, đây là điều kiện thuận lợi để chúng tôi giới thiệu và thể hiện cho người tiêu dùng thấy hàng Việt Nam sản xuất không những đảm bảo chất lượng mà giá cả rất hợp lý. Và sự đảm bảo về chất lượng đã xây dựng nên thương hiệu Việt Hồng Chinh trên thị trường hôm nay”.

 

Ngoài việc phân phối các sản phẩm phụ tùng xe máy, xe đạp sản xuất trong nước, Việt Hồng Chinh còn tìm hiểu thị trường và tự sản xuất được gần 200 sản phẩm phụ tùng xe máy và nhập phụ kiện về tự lắp ráp xe đạp theo nhu cầu thị trường Quảng Trị và một số tỉnh miền Trung. Nhờ vậy đã cung cấp những sản phẩm giá rẻ nhưng luôn đảm bảo chất lượng đến tận tay người tiêu dùng vì cắt giảm khâu trung gian và chi phí vận chuyển. Trong những năm gần đây, Việt Hồng Chinh là doanh nghiệp nhận được nhiều danh hiệu như: Doanh nghiệp vàng năm 2009; Top 100 thương hiệu Việt hàng đầu năm 2011 và 2012; được cấp quyền sử dụng dấu “Thương hiệu Việt uy tín” năm 2011… nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng bằng khen là đơn vị có thành tích trong thực hiện cuộc vận động “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam” (2009 – 2011). 

Bên cạnh hoạt động sản xuất kinh doanh, Việt Hồng Chinh còn là đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt tặng xe đạp, tiếp sức đến trường và nhận đỡ đầu cho một số học sinh nghèo trên địa bàn tỉnh.
 

Tấm lòng vàng của nữ doanh nhân 

Ấn tượng đầu tiên khi bước vào phòng làm việc của chị Nguyễn Thị Thùy Loan, Giám đốc Công ty TNHH MTV Giang Loan, thị xã Quảng Trị là những tấm bằng khen được treo trang trọng trên tường. Nếu ai tinh mắt đều nhận ra rằng, ngoài những tấm bằng khen các cấp, ngành tặng về hoạt động chuyên môn như: thành tích kinh doanh, nghĩa vụ nộp thuế… còn có nhiều tấm bằng khen ghi nhận sự đóng góp của chị Loan và Công ty trong các hoạt động từ thiện, xã hội như: giấy khen của UBND thị xã Quảng Trị về thành tích xuất sắc trong công tác “xóa nhà tạm bợ, dột nát cho hộ nghèo” (2006 – 2012); Quỹ Trái tim vàng Việt Nam thuộc Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội tặng bằng khen về tấm lòng nhân đạo, từ thiện vì sự phát triển cộng đồng…

 

Xây dựng sự nghiệp từ cửa hàng kinh doanh vật liệu xây dựng nhỏ thành một doanh nghiệp có thương hiệu uy tín, được các hãng sản xuất vật liệu xây dựng, trang trí nội thất có tên tuổi như: gạch men CMC; VIGLACERA; gạch Đồng Tâm; sơn Dulux (Bình Dương); sơn COVA (Hà Nội); đá Thạch Bàn (Hà Nội)… tin tưởng giao làm nhà phân phối chính thức ở thị trường Quảng Trị. Trong thời gian rất ngắn, chị Loan đã chứng tỏ được năng lực và khả năng nhạy bén trong hoạt động kinh doanh khi phát triển thương hiệu Giang Loan vượt ra phạm vi Quảng Trị để mở rộng sang thị trường Lào với doanh thu mỗi năm hàng chục tỷ đồng. 

Ngoài việc điều hành công ty phát triển chiến lược kinh doanh, mở rộng thị trường, chị Loan còn tích cực tham gia các hoạt động từ thiện, nhân đạo giúp đỡ phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn thị xã Quảng Trị. Hàng năm, công ty Giang Loan đều trích một phần lợi nhuận để ủng hộ quỹ Vì người nghèo; quỹ Đền ơn đáp nghĩa; xây nhà đại đoàn kết…Với vai trò là Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Nữ doanh nghiệp thị xã Quảng Trị, chị Loan còn khâu nối, huy động chị em trong CLB cùng chung tay, góp sức giúp đỡ các gia đình phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, hoạn nạn vươn lên trong cuộc sống.
 

Co.op Mart - Bạn của mọi nhà 

Có mặt ở Quảng Trị được 4 năm, Siêu thị Co.op Mart Đông Hà đã tạo một môi trường mua sắm văn minh, hiện đại ở thành phố này. Đây còn là đơn vị cầu nối đưa hàng bình ổn, điều tiết giá cả về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa trên địa bàn tỉnh, đồng thời góp phần xây dựng thương hiệu cho nhiều sản phẩm nông sản Quảng Trị.
Trung bình mỗi năm Siêu thị Co.op Mart Đông Hà phối hợp với các địa phương trong tỉnh tổ chức khoảng 40 chuyến bán hàng lưu động về các vùng nông thôn, vùng sâu vùng xa. Bằng những chính sách ưu đãi về giá cả thông qua các chương trình khuyến mãi định kỳ, Siêu thị Co.op Mart Đông Hà đã áp dụng giá ưu đãi không chỉ với các mặt hàng bày bán tại trung tâm mà còn áp dụng giá khuyến mãi rộng rãi ở các điểm bán hàng lưu động, tạo thuận lợi cho người tiêu dùng. 


Trên các kệ hàng thực phẩm ở siêu thị Co.op mart Đông Hà, người tiêu dùng cũng dễ dàng nhận thấy ngày càng có nhiều mặt hàng nông sản sản xuất trong tỉnh được bày bán. Ngoài các loại rau, củ sản xuất tại HTX rau sạch Đông Thanh (phường Đông Thanh, Đông Hà) thì các sản phẩm như thịt bò, thịt lợn, trứng gà, trứng vịt … do người dân địa phương cung cấp cũng được bày bán ở quầy thực phẩm tươi sống của siêu thị.
 

Ở gian hàng thực phẩm khô, sản phẩm tiêu Cùa; cao lá vằng và chè thảo mộc chiết xuất từ lá vằng một đặc sản ở huyện Cam Lộ cũng được bày bán thu hút nhiều người tiêu dùng. Có thể thấy, việc đưa nông sản địa phương bày bán ở siêu thị đã tạo điều kiện để nông dân có thêm một kênh tiêu thụ những sản phẩm chất lượng với giá cả hợp lý, xây dựng thương hiệu và quảng bá, giới thiệu sản phẩm nông sản địa phương đến người tiêu dùng một cách rộng rãi hơn. 

   HỒ NGUYÊN KHA - LÂM THANH( Báo Quảng Trị)

Ý kiến đóng góp
Tham gia đóng góp ý kiến
Bạn cần đăng nhập tại đây để có thể tham gia đóng góp ý kiến
Tin khác